10:50 17/07/2008

Máy nghe nhạc số: Chính đã thắng tà

Nhóm hàng chất lượng kém đang dần biến khỏi các quầy kệ của những cửa hàng

Nhiều máy MP3 cao cấp, thời trang của các hãng lớn xuất hiện tại các điểm bán lẻ.
Nhiều máy MP3 cao cấp, thời trang của các hãng lớn xuất hiện tại các điểm bán lẻ.
Máy nghe nhạc số (MP3, MP4) cá nhân đã đẩy những chiếc Walkman, cassette mini vào quá khứ.

Và bây giờ, đến lượt chúng tự sàng lọc. Nhóm hàng chất lượng kém đang dần biến khỏi các quầy kệ của những cửa hàng.

Hàng nhái hết thời

Vài năm trước, máy nghe nhạc số giá rẻ là món hàng kinh doanh tốt cho các cửa hàng buôn bán linh kiện máy tính. Thậm chí, có nhiều cửa hàng chỉ chuyên bán máy nghe nhạc MP3 Trung Quốc, no name (không thương hiệu, hàng nhái, hàng giả). Những siêu thị khá nổi tiếng trong làng bán linh kiện máy tính như H.L, P.V, N.H… cũng tập trung kinh doanh những sản phẩm này. Nhưng nay tình hình đã khác.

Sau khi vượt qua giai đoạn “hồ hởi” của người tiêu dùng với những sản phẩm nghe nhạc số cá nhân mà không cần chú ý đến chất lượng, nay thị trường đã có sự chọn lọc khắt khe hơn. Chính điều chỉnh này mà những mặt hàng máy MP3 “no name” hoặc hàng nhái đã không còn chỗ đứng. Nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh những dòng sản phẩm này đã chuyển hướng kinh doanh hoặc trả lại mặt bằng vì không có ai mua.

Điển hình là một cửa hàng trên đường Sương Nguyệt Anh (quận 1, Tp.HCM) chuyên bán iPod “nhái” chỉ được vài tháng đã vội đóng cửa vì chẳng bán được hàng. Qua khảo sát, các siêu thị điện máy hoặc bán linh kiện máy vi tính cũng không còn nhiều nơi bán những sản phẩm này chỉ vì lý do: “Khách hàng đã tẩy chay những sản phẩm kiểu này vì chất lượng quá kém” - một nhân viên bán hàng tại siêu thị Hoàn Long cho biết như vậy.

Thị trường cho hàng hiệu

Nhìn thấy sự phát triển của thị trường máy nghe nhạc số, nhiều doanh nghiệp đã “lẹ chân” đặt hàng OEM (đặt hàng gia công) tại nhà máy sản xuất bên Trung Quốc, Singapore, Đài Loan như Bách Khoa Computer có các nhãn hàng JVJ, JWD; Hoàn Vũ là nhà “phân phối” chính thức của nhãn hàng JXD, SVC thành lập một công ty chuyên kinh doanh nhãn hiệu máy MP3 Imax…

Hàng OEM được chăm chút hơn về mẫu mã, chất lượng âm thanh cũng như thực hiện chu đáo hơn chế độ bảo hành. Theo ông Nguyễn Cảnh Hiền, phụ trách cửa hàng 42 Tôn Thất Tùng quận 1, TP.HCM, của Bách Khoa Computer, nhóm hàng này vẫn còn bán được, nhất là nhóm đối tượng trẻ mua những mặt hàng dưới một triệu đồng.

Chiếm lĩnh thị trường máy MP3 hiện nay chính là những “đại gia” trong nhóm sản phẩm này như iPod, Creative, Samsung, Sony, Mpio… Bà Nguyễn Vân Quỳnh, đại diện truyền thông của Samsung Vina cho biết: “Sắp tới, Samsung sẽ có nhiều chiến lược phát triển và kinh doanh nhóm hàng này bằng những sản phẩm thời trang, giá chấp nhận”, bà Quỳnh nói. Hiện nay, nhóm sản phẩm MP3 của Samsung xuất hiện khá nhiều trên thị trường với giá dao động từ 1 – 3,7 triệu đồng như U3, T10, K3, S5Q, P2A…

Nhưng gây chú ý nhất hiện nay trong nhóm hàng MP3 chính là iPod. Với giá 5 – 7 triệu đồng cho máy có dung lượng vài GB ở vài năm trước, hiện nay nhãn hiệu này có cả dãy những sản phẩm từ giá 1,27 triệu đồng cho model iPod Shuffle 1GB cho đến model iPod Touch 32GB với giá 8,9 triệu đồng.

Kế tiếp là nhóm sản phẩm của Creative cũng da dạng không kém, từ model Creative T200 2GB chỉ có giá 1,68 triệu đồng cho đến model Creative Zen WAV dung lượng 8GB giá 5 triệu đồng.