17:04 18/12/2009

Microsoft “đầu hàng” EU

Mai Phương

Microsoft chấp nhận cho người tiêu dùng tại châu Âu lựa chọn trên Windows 11 trình duyệt web, thay vì chỉ Internet Explorer

Cao Ủy EU Neelie Kroes phát biểu tại một buổi họp báo ở Brussels, Bỉ - Ảnh: Reuters.
Cao Ủy EU Neelie Kroes phát biểu tại một buổi họp báo ở Brussels, Bỉ - Ảnh: Reuters.
Các nhà chức trách của châu Âu chấm dứt vụ kiện chống độc quyền đối với Microsoft sau khi hãng phần mềm này chịu cho phép người sử dụng hệ điều hành Windows tại châu lục này lựa chọn trình duyệt web, thay vì chỉ đưa ra trình duyệt Internet Explorer như trước đây.

Thái độ lùi bước này của Microsoft giúp cho hãng tránh được một trận chiến pháp lý tốn kém.

Theo thỏa thuận giữa Ủy ban châu Âu (EC) và Microsoft, công bố ngày 16/12, Microsoft sẽ đưa 11 trình duyệt web, bao gồm cả trình duyệt web của các hãng đối thủ như Mozilla, Apple và Google, vào Windows để người lựa chọn sử dụng.

Từ trước tới nay, người sử dụng hệ điều hành của Microsoft ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm châu Âu, chỉ được hãng này cung cấp trình duyệt Internet Explorer (IE). Các nhà chức trách của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, đây là hành vi độc quyền của Microsoft, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với việc EC và Microsoft đạt thỏa thuận trên, những người dùng ở châu Âu đặt IE làm trình duyệt mặc định sẽ được cung cấp lựa chọn chuyển sang trình duyệt khác trong số 11 trình duyệt nêu trong thỏa thuận. Lựa chọn này sẽ được chuyển tới khoảng 100 triệu người sử dụng châu Âu thông qua chế độ cập nhật phần mềm trực tuyến của Internet, bắt đầu từ năm tới.

Đến tháng 3/2015, lựa chọn trình duyệt sẽ được tự động gửi tới người mua máy tính mới có cài Windows. Ngoài ra, các hãng sản xuất máy tính cũng có thể tắt IE và cài đặt trình duyệt mới trước khi bán máy.

Các trình duyệt được lựa chọn bao gồm IE, Firefox, Safari, Chrome, Opera, AOL, Maxthon, K-Meleon, Flock, Avant Browser, Sleipnir và Slim Browser.

Ước tính, hệ điều hành Windows của Microsoft được sử dụng cho 90% số máy tính trên thế giới.

“Hàng triệu người tiêu dùng châu Âu sẽ được lợi từ quyết định này vì họ sẽ được tự do lựa chọn trình duyệt Internet để sử dụng”, cao ủy viên về vấn đề cạnh tranh Neelie Kroes của EU, tuyên bố.

Microsoft tuyên bố, họ “vui vẻ” khi đưa ra quyết định này, nhưng cho biết không có kế hoạch mở rộng việc lựa chọn trình duyệt ra ngoài 27 quốc gia thành viên của EU, cộng với Nauy, Iceland và Liechtenstein.

Theo các chuyên gia pháp lý, sự nhượng bộ của Microsoft trong vụ này cho thấy xu hướng ứng xử “mềm” của các hãng công nghệ Mỹ trước các cơ quan chức năng, đặc biệt là EC, để tránh hình phạt nặng.

“Các công ty này đã nhận ra rằng, EC đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về chống độc quyền trên thế giới và rằng, họ không thể “đùa” với EC”, luật sư chống độc quyền Susanne Zuehlke thuộc công ty luật Latham & Watkins của Mỹ nhận xét.

Trước vụ này, Microsoft đã từng có xung đột pháp lý với EC. Đó là một vụ kiện kéo dài gần 1 thập kỷ trước khi kết thúc vào tháng 10/2007. Thái độ cứng đầu của Microsoft trong vụ đó rốt cục chỉ đem tới cho Microsoft án phạt hơn 2,4 tỷ USD từ tòa án châu Âu.

Các hãng sản xuất trình duyệt đối thủ của Microsoft rất hoan nghênh thỏa thuận giữa Microsoft và các nhà chức trách châu Âu, xem đây là một cơ hội lớn cho phần mềm của họ.

“Tôi cho rằng, cách giải quyết này có khả năng đem tới sự thay đổi cho thực trạng hiện nay. Trước đây, phần lớn người tiêu dùng chọn IE vì trình duyệt này được cài sẵn vào máy tính của họ. Bây giờ thì họ đã có cơ hội để lựa chọn”, ông Sundar Pichai, người đứng đầu bộ phận trình duyệt Chrome của Google nói.

Cùng với Microsoft, một “người khổng lồ” khác của ngành công nghệ Mỹ là Intel cũng liên tục vấp phải những tranh chấp pháp lý trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, cũng vào ngày 16/12, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phát đơn kiện chống độc quyền.

(Theo New York Times)