14:08 07/04/2007

Miền Trung cùng dàn hàng ngang để... đứng đầu

Kinh tế miền Trung vẫn chưa khởi sắc, do thiếu sự liên kết cùng khai thác tiềm năng khu vực

Nhiều du khách đã đến miền Trung nhưng chưa thể ở lại lâu hơn, dù nơi này có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Nhiều du khách đã đến miền Trung nhưng chưa thể ở lại lâu hơn, dù nơi này có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Kinh tế miền Trung vẫn chưa khởi sắc, do thiếu sự liên kết cùng khai thác tiềm năng khu vực.

Các tỉnh đồng loạt xây cảng nên không thể có cảng lớn, cùng xúc tiến du lịch nhưng không đủ tầm để tạo tiếng vang...

Nghèo do... người?

Cho dù năm 2006 là năm đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực miền Trung có dấu hiệu khởi sắc, tăng gấp bốn lần so với năm 2005, nhưng tổng vốn cũng chỉ đạt 1,8 tỉ USD. Số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy một vùng rộng lớn gồm 11 tỉnh nhưng chỉ chiếm 5,8% trong tổng FDI cả nước.

Các khu công nghiệp lớn ở miền Trung như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Dung Quất, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn còn khá trống trải. Một chuyên gia theo dõi đầu tư nói họ đến để tìm hiểu, ký kết bản ghi nhớ - một văn bản mang tính hứa hẹn, chưa có ràng buộc cụ thể - thì nhiều nhưng thật sự đầu tư chẳng bao nhiêu.

Khát vốn đầu tư, nhiều địa phương mời gọi, có nơi còn khăn gói sang tận nước ngoài mở văn phòng đại diện như Đà Nẵng (mở văn phòng đại diện tại Tokyo, Nhật Bản) nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa mấy mặn mà. Trong tính toán của họ, có thể vùng đất này có triển vọng tương lai, nhưng tại thời điểm này chưa mang lại hiệu quả bằng nơi khác.

Vì vậy, dòng chảy vốn đầu tư vẫn cứ dồn vào vùng kinh tế sôi động ở phía Nam và phía Bắc.

Nhiều cảng sẽ không có cảng lớn

Nhận xét đó được một người gắn bó với kinh tế và doanh nghiệp vùng đất này 15 năm qua đưa ra. Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đà Nẵng, nói những nhà đầu tư nước ngoài mà ông đưa đi tìm hiểu đầu tư đã bối rối khi địa phương nào cũng đưa ra thế mạnh giống nhau: cũng cảng biển, cũng sân bay, cũng đường thiên lý Bắc - Nam, xe lửa Bắc - Nam xuyên qua, ai cũng cho mình là trung độ cả nước, có biển rộng!

Vậy thế mạnh đặc thù thật sự của mỗi địa phương trong khu vực này là gì? Không trả lời được. Ông Diễn hỏi và tự trả lời.

Trong chiến lược phát triển hạ tầng ở khu vực miền Trung cần xem xét khuyến cáo của Tổ chức JICA (Nhật Bản) đưa ra trong một báo cáo nghiên cứu cách đây vài năm: nếu mỗi tỉnh đều muốn có cảng lớn thì miền Trung sẽ không có cảng thật sự lớn.

Xem ra điều này không chỉ đúng với cảng biển mà còn với sân bay và các cơ sở hạ tầng khác.

Có lẽ chính vì thế mạnh giống nhau nên nỗ lực đầu tư của các tỉnh cũng tương tự nhau. Hàng loạt cảng biển được xây dựng, nâng cấp những năm qua đến nay cơ bản hoàn thành mỗi tỉnh 1-2 cảng, ai cũng bảo cảng mình là rất quan trọng, không có nó kinh tế địa phương không phát triển được. Nhìn trên bản đồ hàng hải Việt Nam, không nơi đâu dày đặc cảng biển như vậy, nhưng có lẽ không nơi nào nghèo đến vậy.

Chia sẻ một dúm hàng hóa ít ỏi của vùng kinh tế chậm phát triển cho quá nhiều cảng, nên mỗi cảng chỉ được tí xíu. Và hậu quả là khó có con tàu nào no hàng khi ghé đến các cảng biển miền Trung, nên giá vận tải biển khu vực này tăng vọt. Người ta tính rằng nếu vận chuyển một container từ Đà Nẵng - nơi có cảng biển lớn nhất khu vực - bằng đường bộ vào cảng Sài Gòn, rồi từ đây bằng đường biển đi đến các cảng trên thế giới thì rẻ hơn vận chuyển trực tiếp bằng đường biển từ Đà Nẵng đến các nơi ấy.

Vì vậy, rất nhiều cảng miền Trung không giữ nổi hàng hóa khu vực mình, nói chi đến chuyện thu hút hàng hóa nơi khác, như Tây Nguyên chẳng hạn.

Giá vận tải biển là vấn đề nhức nhối kéo dài dai dẳng nhiều năm qua, mỗi năm gặp mặt doanh nghiệp miền Trung tại Đà Nẵng đều nêu ra, có kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ, nhưng chưa có cách nào giải quyết được.

Mạnh ai nấy làm

Để xúc tiến đầu tư, hiện mỗi tỉnh một hội nghị, một chuyến viễn du kêu gọi riêng. Để xúc tiến du lịch, mỗi tỉnh một lễ hội đóng khung trong tỉnh mình. Ai cũng biết du khách nước ngoài đến vùng đất này không phải đi thăm một nơi mà để thăm một loạt di sản, thắng cảnh nơi đây. Nhưng hợp tác trong xúc tiến dường như là việc rất khó.

Ý tưởng về “Con đường di sản” do ông Paul Stoll - nguyên Tổng giám đốc Furama Resort - đưa ra, kêu gọi các địa phương trên con đường di sản ngồi lại hợp tác nhưng cũng không được nhiều người hưởng ứng, dù ai nấy đều cho là cần thiết.

Làm sao có thể hội nhập khi ranh giới hành chính giữa các địa phương vẫn còn rất đậm, cắt khúc sự phát triển tự nhiên của không gian kinh tế vùng.