Minh Phú bị cáo buộc lách thuế: “Sẽ làm rõ để bảo vệ ngành nuôi trồng và xuất khẩu tôm”
Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin về nguyên đơn phía Mỹ yêu cầu điều tra hành vi lẩn tránh thuế của Minh Phú
Bộ Công Thương vừa cho biết đã nhận được thông tin về việc ngày 17 tháng 5 năm 2019, nguyên đơn phía Mỹ yêu cầu Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) điều tra về hành vi lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) và công con tại Mỹ.
Bộ Công Thương đã khẩn trương kiểm tra thông tin, đánh giá vụ việc và sẽ phối hợp với các bộ/ngành, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan làm rõ, xây dựng phương án xử lý, trao đổi và phối hợp với phía Mỹ để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Từ năm 2016, căn cứ phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá, không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Minh Phú.
"Hiện nay, vụ việc mới chỉ ở giai đoạn nguyên đơn gửi yêu cầu. Theo quy định của Mỹ, trong trường hợp đơn kiện là đầy đủ và hợp lệ, CBP sẽ xem xét có tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc hay không. Nếu khởi xướng điều tra, CBP sẽ có khoảng thời gian là 365 ngày để tiến hành thu thập chứng cứ, phân tích, đánh giá, đưa ra kết luận cuối cùng với vụ việc", Bộ Công Thương cho hay.
Liên quan đến vụ việc này, vừa qua Minh Phú đã chính thức lên tiếng để ngăn cản đà rơi của cổ phiếu. Cụ thể, Minh Phú cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu gì từ CBP cũng như bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên. Hiện, hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của tập đoàn vẫn tiến hành thông quan bình thường.
Về việc nhập khẩu tôm Ấn Độ và xuất đi Mỹ, Minh Phú không phủ nhận việc có nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ, Minh Phú cho biết hiện lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng khá nhỏ tương ứng 10% trong tổng lượng tôm nhập đầu vào của công ty.
Với việc mở rộng vùng nuôi trong nước: Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận, Vũng Tàu…những năm tới Minh Phú sẽ ít phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, việc không tiếp tục sử dụng tôm nguyên liệu từ Ấn Độ sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Minh Phú khẳng định bức thư của Nghị sĩ LaHood chỉ đơn giản là một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định, kết luận của cơ quan Nhà nước về vấn đề này.
Thực tế từ năm 2004 MPC đã trải qua hơn 10 năm tham gia điều tra chống bán phá giá của Mỹ. Do đó, dù CBP có khởi xướng điều tra hay không thì MPC vẫn khẳng định luôn nỗ lực tuân thủ pháp luật Mỹ cũng như quy định WTO.
Tổng sản lượng xuất khẩu tôm năm 2018 của MPC đạt trên 67.000 tấn tương ứng 750 triệu USD, trong đó doanh thu từ thị trường Mỹ chiếm 40%.
Sự việc bắt nguồn từ lá thư gửi tới ủy viên Kevin McAleenan thuộc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), đại biểu của bang Illinois, Darin LaHood, cho biết đã nhận được một đơn kiện và yêu cầu CBP điều tra xem liệu nhà nhập khẩu của Mỹ và các công ty có liên quan ở Việt Nam có đang né tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ hay không.
Đối tượng được ông LaHood nhắc đến đó Tập đoàn Minh Phú và công ty nhập khẩu tại Mỹ của tập đoàn là Mseafood Corporation. Ông cho biết, lá thư trên cáo buộc Tập đoàn Minh Phú đã lách thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Ấn Độ, gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ.