Mở cửa quốc tế, du lịch tiếp sức cho nền kinh tế
Quyết định mở cửa cho du lịch quốc tế có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng mong chờ của toàn ngành du lịch Việt Nam và góp phần đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tạo đà thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022...
Đúng ngày 15/3/2022, ngày Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế, vào lúc 11:30, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên, chở theo 52 hành khách, đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là chuyến bay mang số hiệu SQ192, do Singapore Airlines thực hiện, chính thức “mở hàng” cho du lịch quốc tế Việt Nam, trong ngày đầu mở cửa.
Đó là một tín hiệu vui, dự báo cho một hành trình may mắn của du lịch Việt Nam, sau hai năm đóng băng vì dịch Covid-19.
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Ngay từ đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo nghị quyết của Đảng, ngành du lịch nước ta đã được hoạch định bằng một chiến lược phát triển mang tính đột phá, và thực tế đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Những năm trước đại dịch Covid-19, du lịch nước ta luôn tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, và đạt đỉnh vào năm 2019, với 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%, 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%, và tổng thu 755.000 tỉ đồng (tương đương 32,8 tỉ USD theo tỉ giá năm 2019), tăng 18,5% (trong đó thu từ du lịch quốc tế là 421.000 tỉ đồng, chiếm 55,7%), đóng góp trực tiếp 9,2% GDP.
Thành tựu ấn tượng nói trên đã trở thành nỗi ước ao, mong mỏi của hàng triệu người lao động làm việc trong ngành du lịch nước ta trong suốt hơn hai năm lao đao vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh ấy, quyết định mở cửa cho du lịch quốc tế có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đáp ứng mong chờ của toàn ngành du lịch Việt Nam, mà còn góp phần đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tạo đà thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Quyết định này cũng phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới, đáp ứng được nguyện vọng của hàng triệu du khách trên toàn cầu đang chờ ngày Việt Nam mở cửa.
Việc mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế vào ngày 15/3/2022 được coi là dấu mốc lịch sử cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
Hai năm qua, dịch Covid-19 đã làm lu mờ những thành tựu to lớn của ngành du lịch nước ta, gần như “trói tay” hàng chục nghìn doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh trong lĩnh vực này. Nếu không có sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng như những quyết sách táo bạo của Chính phủ, với những giải pháp tổng thể, đồng bộ, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là của các ngành y tế và du lịch, làm sao có được dấu mốc lịch sử này.
Với việc mở cửa hoàn toàn để đón du khách quốc tế, mà theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành, có thể đạt con số 5 triệu lượt, cùng với khoảng 60 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đạt số thu khoảng 400.000 tỉ đồng trong năm nay.
Dự báo này, nếu đạt được, sẽ là kỳ tích của du lịch Việt Nam trong điệu kiện “sống chung với Covid-19”.
Mở cửa cho du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa toàn bộ nền kinh tế như yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là hoàn toàn cần thiết và đúng hướng.
Tuy nhiên, để đi đến quyết định này và ngay cả việc triển khai thực hiện việc mở cửa cũng không phải là dễ, trong đó, khó khăn, trở ngại lớn nhất vẫn là nỗi lo dịch Covid-19 lây lan.
Khó, nhưng không phải là không thể vượt qua.
Tại cuộc tọa đàm “Mở cửa du lịch hậu Covid – những vấn đề nóng cần giải quyết”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20/3/2022, nhiều chuyên gia trong ngành y tế và du lịch đã đề xuất những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay để giải đáp câu hỏi: doanh nghiệp du lịch phục hồi và đón khách như thế nào?
Những giải pháp như vậy thật kịp thời, đáp ứng trúng yêu cầu cần giải quyết một loạt vấn đề nóng đặt ra ngay sau khi đất nước mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Có biết bao nhiêu đầu việc phải làm để bảo đảm cho ngành du lịch của cả một quốc gia hoạt động, phục vụ hàng chục triệu lượt khách trong năm 2022 này, mà mục tiêu hàng đầu là hiệu quả, nhưng an toàn trước dịch Covid-19.
Với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện song hành hai chương trình lớn – Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP (ký ban hành ngày 17/3/2022), chắc chắn ngành du lịch nước ta sẽ có điều kiện phát triển sau khi mở cửa trở lại, đạt được mục tiêu của toàn ngành và mở ra triển vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, mà trước mắt là cùng “chạy tiếp sức” để nền kinh tế sớm về đích.