15:00 14/05/2021

Mô hình "nhận lương theo ngày" sẽ phổ biến tại Việt Nam?

Đỗ Phong

Giải pháp chi lương linh hoạt VUI giúp người lao động nhận lương hàng ngày thay vì hàng tháng. Điều này không chỉ tốt cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp tăng sức hút trên thị trường lao động cạnh tranh…

Giải pháp chi lương linh hoạt, đã phục vụ hơn 20.000 lao động tại nhiều doanh nghiệp, giúp người lao động nhận lương hàng ngày thay vì hàng tháng chỉ với vài nút chạm trên điện thoại.
Giải pháp chi lương linh hoạt, đã phục vụ hơn 20.000 lao động tại nhiều doanh nghiệp, giúp người lao động nhận lương hàng ngày thay vì hàng tháng chỉ với vài nút chạm trên điện thoại.

Start-up Nano do cựu Giám đốc điều hành Uber và ZaloPay Đặng Việt Dũng và cộng sự triển khai dành cho các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ và sản xuất muốn thu hút tuyển dụng, giữ chân nhân sự và tăng sức cạnh tranh.

START-UP "NHẬN LƯƠNG THEO NGÀY" GỌI ĐƯỢC 3 TRIỆU USD TẠI MỸ

Nano, start-up đầu tiên của Việt Nam được tham gia Chương trình Khởi nghiệp YCombinator (Mỹ) vừa thông báo huy động thành công 3 triệu USD trong vòng hạt giống. Cùng với các nhà đầu tư tại vòng tiền hạt giống là Golden Gate Ventures, Venturra Discovery và FEBE Ventures, Nano hợp tác cùng nhiều nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu bao gồm Openspace Ventures và Goodwater Capital.

Ông Đặng Việt Dũng, Đồng sáng lập kiêm CEO của Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Nano Việt Nam cho biết: nguồn vốn sẽ được đầu tư cho công nghệ, phát triển doanh nghiệp, tuyển các nhân sự giỏi để tiếp tục xây dựng phát triển, cải thiện sản phẩm, trong đó ứng dụng nhận lương linh hoạt là một sản phẩm lõi.

 
Co-Founder & CEO Đặng Việt Dũng
Co-Founder & CEO Đặng Việt Dũng

"Nếu mô hình trả lương linh hoạt như Nano được phát triển và áp dụng rộng rãi thì chắc chắn hàng triệu người lao động Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Hiện nay, lao động phổ thông, làm công nhân trong các nhà máy, siêu thị… ở Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ khá đông và thu nhập còn hạn chế".

Với số vốn này sẽ đảm bảo hoạt động, thử nghiệm phát triển sản phẩm theo mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp đã đề ra trong ít nhất 24 tháng. Theo kế hoạch, trong năm nay Công ty sẽ có 2 sản phẩm ra đời để hỗ trợ doanh nghiệp các phần khác nhau trong quản lý nhân sự.

Thực tế cho thấy, hợp tác cùng doanh nghiệp, Nano giúp người lao động thu nhập thấp nhận khoản lương đã kiếm được mọi lúc, mọi nơi mà không cần chờ tới cuối tháng, thông qua ứng dụng VUI trên điện thoại thông minh. Bên cạnh việc nhận lương linh hoạt, nhân viên có thể theo dõi nhật ký công, nhận thông báo từ công ty và tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tài chính hoàn toàn miễn phí.

Ra mắt cách đây 6 tháng, ứng dụng VUI hiện phục vụ hơn 20.000 người lao động tại nhiều doanh nghiệp hàng đầu như GS25, LanChi Mart và Annam Gourmet. 50- 60% nhân viên sẽ đăng ký VUI ngay khi chương trình được triển khai và nhận lương sớm khoảng 3 lần một tháng.

ĐỂ KHÔNG BỊ LÂM VÀO CẢNH "CHƯA TỚI HẾT THÁNG ĐÃ HẾT TIỀN" 

Theo ông Đặng Việt Dũng, các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ và sản xuất (điển hình là dệt may, da giày) ghi nhận chi phí tuyển dụng và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng, gây áp lực lên kết quả kinh doanh và việc ổn định tổ chức để tăng trưởng. Nhiều lao động cũng chuyển sang các công việc thuộc nền kinh tế chia sẻ như chạy xe, giao hàng để được nhận lương hàng ngày với lịch làm việc linh hoạt…

Chi phí nhân sự nghỉ việc thường được ghi nhận thấp hơn thực tế tại các doanh nghiệp. Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Harvard cho thấy chi phí “thực” khi một nhân viên nghỉ việc gồm chi phí tuyển dụng, đào tạo, và thâm hụt năng suất bằng 16–20% lương hằng năm. Nếu một công nhân nhà máy với lương 8 triệu đồng/tháng nghỉ việc, nhà máy đó mất đi một chi phí tương ứng 18-20 triệu đồng.

 

“Chi lương linh hoạt là một giải pháp có lợi “nhân 3” cho cả doanh nghiệp, người lao động và xã hội. Chúng tôi đánh giá mô hình này sẽ nâng tầm chuẩn mực trả lương tại các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, và sớm bắt kịp chuẩn mực tốt nhất tại các thị trường phát triển. Openspace Ventures mong muốn song hành cùng Nano trong sứ mệnh cải thiện cuộc sống của hàng triệu lao động Việt Nam”.

Ông Shane Chesson, Cổ đông sáng lập Quỹ đầu tư Openspace Ventures.

Trả lương thường xuyên hơn không phải là câu chuyện mới. Từ hàng chục năm trước, ở các nước phát triển đã áp dụng trả lương 2 tuần một lần cho người lao động. Ông Dũng cho biết, mô hình chi lương linh hoạt (EWA) khá phổ biến trên thế giới với hàng nghìn doanh nghiệp lớn tại Mỹ, châu  Âu và Mỹ Latinh áp dụng…, tiết kiệm hàng triệu USD chi phí nhân sự hàng năm. Walmart, doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất thế giới, đã triển khai giải pháp EWA từ 2017 cho 1,4 triệu nhân sự và tiết kiệm hơn 300 triệu USD hàng năm nhờ tỷ lệ nghỉ việc giảm 30%. Đại học Harvard đã thực hiện nghiên cứu thống kê và khuyến nghị EWA cho doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động thu nhập thấp và lao động theo giờ.

Ở Việt Nam, phần lớn lao động sống phụ thuộc vào lương tháng, và chi phí đột xuất có thể khiến họ lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Ngoài ra, theo chia sẻ của start-up này, hàng triệu người đã rơi vào bẫy nợ với khoản vay nhỏ có lãi suất thậm chí lên tới 300-500%/năm, chỉ để trang trải cuộc sống là một thực trạng nhức nhối trong xã hội.

Do đó, việc chuyển sang trả lương linh hoạt theo ngày, tương tự nền kinh tế chia sẻ sẽ rất hấp dẫn với người lao động và là lợi thế tuyển dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với doanh nghiệp do gánh nặng công nghệ, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Theo ông Dũng, thực trạng chưa tới hết tháng đã hết tiền của người lao động rất phổ biến và... đáng quan ngại. Do vậy, chi lương linh hoạt là phương án trả lương tốt hơn mà người lao động thực sự cần, đồng thời là công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng sức hút trên thị trường lao động cạnh tranh. Mô hình góp phần loại bỏ thực trạng tín dụng đen đang nhức nhối trong xã hội.

Thực tế ban đầu nhiều doanh nghiệp chưa hiểu và chưa tin nhưng vẫn cho áp dụng thử và đều hài lòng. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải nhìn nhận lại về việc ứng dụng giải pháp này. Ông Dũng khẳng định trước sau gì mô hình trả lương linh hoạt cũng sẽ phổ biến và doanh nghiệp nào áp dụng trước sẽ được hưởng lợi. Mô hình này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông ổn định tổ chức.

Ông Dũng đặt kỳ vọng trong 5 năm nữa sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp vừa và lớn ở Việt Nam áp dụng mô hình này.

 

Thành lập đầu năm 2020 bởi Đặng Việt Dũng (cựu Giám đốc Điều hành Uber và ZaloPay) và Nguyễn Việt Thắng (Giám đốc Công nghệ Focal Labs và SeeSpace), Nano tiên phong xây dựng giải pháp chi lương linh hoạt (EWA) tại Việt Nam. Nano hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân nhân viên hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp người lao động tránh những khoản nợ không đáng có.