17:24 14/10/2024

Mở rộng danh mục đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội

Phúc Minh

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung nhiều quy định, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, thông qua việc mở rộng danh mục và phương thức đầu tư…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã mở rộng danh mục và phương thức đầu tư quỹ, trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả.

BỔ SUNG DANH MỤC ĐẦU TƯ TẠI THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ 

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, danh mục đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội tại thị trường trong nước bao gồm: (i) Công cụ nợ của Chính phủ, bao gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, công trái xây dựng Tổ quốc; (ii) Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. 

(iii) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ này tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.

(iv) Trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ. Đồng thời, không thực hiện đầu tư quỹ tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.

Bổ sung danh mục đầu tư quỹ tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ. Phương thức đầu tư quỹ bao gồm tự đầu tư, ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế.

Chính phủ quy định lộ trình đa dạng hóa, tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư quỹ, bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 121 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Theo đó, hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, bền vững và hiệu quả. Đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ cấu và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực và cơ sở vật chất của tổ chức đầu tư quỹ; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn. Đặc biệt, hoạt động đầu tư quỹ thực hiện theo chiến lược đầu tư dài hạn và phương án đầu tư hằng năm.

Bên cạnh đó, Luật mới cũng bổ sung quy định quản lý hoạt động đầu tư quỹ. Theo đó, quỹ được đầu tư và hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần. Hoạt động đầu tư quỹ phải được kiểm soát, quản lý rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro. Chính phủ quy định quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro đầu tư, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.

 DỰ KIẾN ĐẾN CUỐI NĂM 2024, QUỸ KẾT DƯ HƠN 1,2 TRIỆU TỶ ĐỒNG

Liên quan đến hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính 2025 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, ước tính số dư quỹ này đến cuối năm 2024 sẽ là hơn 1,2 triệu tỷ đồng.

Quỹ Bảo hiểm xã hội được dùng để chi trả lương hưu và nhiều chế độ trợ cấp khác cho người lao động. Ảnh: Duy Nguyễn.
Quỹ Bảo hiểm xã hội được dùng để chi trả lương hưu và nhiều chế độ trợ cấp khác cho người lao động. Ảnh: Duy Nguyễn.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu theo chế độ của Quỹ Bảo hiểm xã hội (bao gồm cả kinh phí từ ngân sách Nhà nước chuyển quỹ để chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội) ước đạt 410.300 tỷ đồng, tăng 5,2% (20.500 tỷ đồng) so kế hoạch.

Dự kiến đến hết năm 2024, cả nước sẽ đạt khoảng 20 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 8,79% (tương đương thêm 1,255 triệu người) so với năm 2023, bằng gần 43% lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm.

Tổng số chi của quỹ ước trên 352.000 tỷ đồng, đạt 109,2% (tăng 29.800 tỷ đồng) so với kế hoạch. Trong đó, khoản chi chế độ bảo hiểm xã hội từ quỹ khoảng 300.000 tỷ đồng. Chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp là 522.000 tỷ đồng, tăng 9,3%.

Chênh lệch thu - chi Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024 ước khoảng 58.100 tỷ đồng. Số dư quỹ cuối năm 2024 dự kiến hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% (58.100 tỷ đồng) so với cuối năm 2023, trong đó chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Quỹ Bảo hiểm xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2014, các Nghị định của Chính phủ. Quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam trực tiếp quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với quỹ.

Hiện nay, nguồn thu của quỹ được hình thành từ các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng 25,5% quỹ tiền lương.

Trong đó, người sử dụng lao động đóng 17,5% (gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất), người lao động đóng 8% mức tiền lương tháng (vào quỹ hưu trí, tử tuất). Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động đóng.

Ngoài ra, nguồn thu của quỹ còn đến từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; các nguồn thu hợp pháp khác...

Quỹ Bảo hiểm xã hội được sử dụng để trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày…

Quỹ cũng được dùng để chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.