08:18 15/08/2007

Mobifone IPO: Đã “gút” danh sách nhà thầu

Tùy Phong

6 hãng có tên trong danh sách là Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Rothschild và UBS

Mobifone là một trong những thương hiệu Mạnh trên thị trường - Ảnh: Ngọc Anh.
Mobifone là một trong những thương hiệu Mạnh trên thị trường - Ảnh: Ngọc Anh.
Công ty Thông tin di động VMS, đơn vị chủ qun mạng Mobifone vừa công bố danh sách 6 nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu tư vấn cổ phần hóa cho VMS.

Mobifone, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ 2 của Việt Nam, thông báo, họ đã rút gọn danh sách tên của các công ty nước ngoài, gồm 6 đơn vị để tham gia đấu thầu tư vấn cổ phần hóa cho Mobifone, bao gồm cả IPO dự tính tiến hành vào năm 2008.

Theo đó, 6 hãng có tên trong danh sách là Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Rothschild và UBS. Không có khung thời gian cho quá trình mời thầu. Trước đó, vào cuối tháng 4/2007, VMS thông báo mời các nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu gói thầu “Tư vấn cổ phần hóa Công ty thông tin di động (VMS)”.

Mobifone, đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), cho biết việc tiến hành IPO sẽ bắt đầu tiến hành vào đầu năm tới và VNPT sẽ chỉ nắm 1/3 số cổ phần của Mobifone.

Trước đó, vào hồi tháng 5, ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc của Mobifone, cũng khẳng định, các cổ đông chiến lược sẽ nắm 1/3 số vốn và 1/3 còn lại dành cho các nhà đầu tư bên ngoài. Hiện nhiều hãng viễn thông nước ngoài, như SingTel, Telenor, Comvik, T-Mobile, Vodafone,... cũng đang tìm kiếm vị trí đối tác của Mobifone.

Dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2008, Mobifone mới có phương án chính thức về cổ phần hóa, vẫn theo lời của đại diện Mobifone. Với lộ trình này, nhanh nhất cũng phải đến đầu năm 2008, Mobifone mới có thể hoàn tất tiến trình cổ phần hóa.

Mobifone đang sử dụng công nghệ GSM và chiếm 35% thị phần nội địa, cạnh tranh với 2 mạng di động khác là Vinaphone cũng của VNPT và Viettel. Tuy nhiên, các quan chức trong ngành cho biết, việc tiến hành cổ phần hóa Mobifone, động thái đầu tiên để cơ cấu lại lại hệ thống viễn thông ở Việt Nam, sẽ diễn ra khá chậm và khó khăn bởi Việt Nam chưa có những tiền lệ cho tiến trình cổ phần hóa trong lĩnh vực viễn thông di động.

(Theo Reuters)