17:37 02/07/2007

“Mỗi tháng sẽ có một doanh nghiệp lớn đấu giá cổ phần”

"Ở giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng cổ phần hóa được đặt lên hàng đầu chứ không phải số lượng"

Ông Nguyễn Trọng Dũng hiện là Tổ trưởng Tổ Công tác cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty.
Ông Nguyễn Trọng Dũng hiện là Tổ trưởng Tổ Công tác cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty.
Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Trọng Dũng cho biết năm nay sẽ cổ phần hóa 27 tổng công ty Nhà nước, song lộ trình đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của các đơn vị này sẽ phải được điều hòa cho phù hợp với cung cầu thị trường.

Ông đánh giá thế nào về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay? 

giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng cổ phần hóa được đặt lên hàng đầu chứ không phải số lượng.

Chúng ta đang tiến hành cổ phần hóa những doanh nghiệp có quy mô lớn, nằm trong những lĩnh vực ngành nghề quan trọng, cho nên cổ phần hóa sao cho hiệu quả là yêu cầu đầu tiên, trong đó ngoài cách thức cổ phần hóa còn vấn đề rất quan trọng khác là tiến hành IPO.

Mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa bây giờ có quy mô vốn lớn bằng 100 doanh nghiệp trước đây, trong khi đó chúng ta đã có lộ trình cổ phần hóa và IPO mỗi năm hàng chục doanh nghiệp, như vậy không thể không làm thận trọng.

Đơn cử theo kế hoạch năm 2007 này phải cổ phần hóa tới 26 tổng công ty Nhà nước, nếu anh là người bán hàng dĩ nhiên anh phải cân nhắc cung cầu của thị trường. 

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu “bội thực” khi tới đây sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn tiến hành IPO. Ông nghĩ sao? 

Lo ngại đó là đúng. Kế hoạch cổ phần hóa năm 2007 là 26 tổng công ty, nếu cố làm thì cũng hoàn thành kế hoạch, nhưng không khéo làm ồ ạt quá, IPO liên tục thì cung sẽ lớn hơn cầu, lợi ích của Nhà nước sẽ không được như mong muốn.

Thực ra, vấn đề này các bộ, ngành đã biết. Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ Tài chính phải “điều hòa” lại lộ trình IPO các doanh nghiệp có quy mô lớn sao cho phù hợp.

Phải lấy hiệu quả làm trọng. Phải tránh trường hợp các tổng công ty IPO mà không được nhà đầu tư quan tâm, không phải vì hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty đó kém, mà do cung vượt cầu.

Cung lớn quá cầu thì dĩ nhiên là giá sẽ thấp, thiệt thòi cho Nhà nước. Chúng ta còn 71 tổng công ty phải cổ phần hóa đến 2010, tất nhiên trong bối cảnh hiện nay có khi phải đến 2015 chúng ta mới hoàn thành. Dĩ nhiên để cổ phần hóa có hiệu quả, phải cân nhắc lại lộ trình IPO. 

Cụ thể lộ trình IPO các doanh nghiệp lớn sẽ như thế nào?

Danh sách cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế và tổng công ty từ nay đến năm 2010 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có nêu rõ thời gian cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa cũng như IPO các doanh nghiệp có quy mô lớn dĩ nhiên phải dựa trên danh sách này.

Riêng trong năm 2007, dự kiến từ nay đến cuối năm mỗi tháng sẽ có một doanh nghiệp lớn được IPO. Cụ thể, theo dự kiến, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ IPO ngay trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới đây, Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL sẽ IPO trong quý 4.

Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), đều đã thuê được tư vấn nước ngoài, đang trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp.

2 tổng công ty này có thuận lợi là hầu hết các doanh nghiệp thành viên đều đã cơ bản thực hiện cổ phần hóa. Theo lộ trình, vào cuối quý III thì 2 tổng công ty này sẽ IPO.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines có thể IPO vào cuối năm 2008. Tập đoàn dệt may nhiều khả năng sẽ được IPO trong thời gian sớm hơn.

Điều đáng nói, theo tinh thần nghị định về cổ phần hóa mới được ban hành, thông tin về đấu giá cổ phần sẽ tới nhà đầu tư đầy đủ hơn, chính xác hơn.