14:11 25/07/2011

Moody's hạ 3 bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp

Diệp Anh

Tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã hạ 3 bậc xếp hạng trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp

Hy Lạp sẽ nhận được thêm 109 tỷ Euro tiền hỗ trợ.
Hy Lạp sẽ nhận được thêm 109 tỷ Euro tiền hỗ trợ.
Tổ chức định mức tín nhiệm Moody's hôm nay (25/7) đã hạ 3 bậc xếp hạng trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp từ Caa1 xuống Ca, đồng thời cho biết quốc gia này vẫn đang đối mặt với thách thức về khả năng thanh toán trong trung hạn.

Moody's cho biết, với gói cứu trợ mới trị giá 109 tỷ Euro, khu vực tư nhân tham gia 37 tỷ Euro, gần như chắc chắn sẽ phải chịu rủi ro tín dụng. Nếu việc chuyển đổi nợ xảy ra theo đúng kế hoạch thì Moody's sẽ coi như Chính phủ Hy Lạp bị vỡ nợ.

Tuần trước, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings cũng cho biết sẽ tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ tạm thời, nhưng cơ quan này sẽ xếp hạng tín nhiệm Hy Lạp ở mức đầu cơ thấp khi hoạt động giao dịch trái phiếu kết thúc.

Theo Fitch, việc hạ thấp lãi suất và kéo dài thời gian đáo hạn đối với các khoản vay dành cho Hy Lạp có thể tạo cơ hội để nước này củng cố khả năng thanh toán nợ và vị trí xếp hạng tín nhiệm.

Sau cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm 21/7, các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thỏa thuận rằng, khu vực tư nhân sẽ đóng góp 37 tỷ Euro trong gói cứu trợ khổng lồ thứ hai trị giá 109 tỷ Euro dành cho Hy Lạp.

Cùng với khoản vay mới, thỏa thuận cũng bao gồm cam kết từ phía các lãnh đạo châu Âu về việc tiếp tục hỗ trợ cho Athens, cho đến khi nước này có thể tiếp cận được với thị trường tài chính. Như vậy người đóng thuế tại châu Âu sẽ phải góp tiền để cứu Hy Lạp trong nhiều năm.

Ngoài ra, để tránh gây ra hoảng loạn trên các thị trường, lãnh đạo các nước thuộc châu Âu công bố thay đổi, nới lỏng điều kiện cho vay giải cứu của quỹ 440 tỷ Euro. Lãi suất cho Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp vay sẽ xuống mức 3,5% và sẽ không phải trả lại trong 30 năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra nghi ngờ về triển vọng kinh tế Hy Lạp trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, hiệu quả mà các chính sách hỗ trợ Hy Lạp có thể sẽ không đạt được kết quả như mong muốn và cuộc khủng hoảng nợ vẫn có thể lan rộng sang các nước khác.