20:25 13/07/2010

Moody’s hạ tín nhiệm nợ quốc gia Bồ Đào Nha

An Huy

Hãng định mức tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa hạ hai bậc trong hạng mức tín nhiệm nợ quốc gia của Bồ Đào Nha

Tại một sạp báo ở Lisbon, Bồ Đào Nha trong những ngày ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng - Ảnh: Reuters.
Tại một sạp báo ở Lisbon, Bồ Đào Nha trong những ngày ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng - Ảnh: Reuters.
Hãng định mức tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa hạ hai bậc trong hạng mức tín nhiệm nợ quốc gia của Bồ Đào Nha, nước nằm trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đây được xem là diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ của khối này sau một thời gian tạm lắng.

Theo hãng tin BBC, Moody’s cho hay, họ đánh tụt điểm tín nhiệm của Bồ Đào Nha vì tình hình tài chính công đang xấu đi cộng với triển vọng tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế nước này. Hạng mức tín nhiệm mà Moody’s trái phiếu do Lisbon phát hành giảm hai hạng từ AA2 xuống còn A1.

Cách đây ít lâu, một hãng định mức tín nhiệm khác là Standard & Poor’s đã giảm điểm tín nhiệm của Bồ Đào Nha hai hạng xuống còn A-.

Điểm tín nhiệm giảm đồng nghĩa với niềm tin vào khả năng thanh toán các khoản nợ của Chính phủ Bồ Đào Nha giảm xuống và lãi suất đi vay của nước này từ thị trường trái phiếu quốc tế có thể tăng lên. Các chuyên gia của Moody’s khuyến cáo, Bồ Đào Nha cần thúc đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đưa ngân sách về tình trạng cân bằng.

Cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực châu Âu, bắt nguồn từ Hy Lạp, đã đe dọa tấn công vào nhiều quốc gia khác trong khối Eurozone. Cùng với “người láng giềng” Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bị xem là một mắt xích yếu có thể sa vào vũng lầy khủng hoảng.

Tuy nhiên, điểm tín nhiệm của Bồ Đào Nha hiện vẫn còn khả dĩ hơn rất nhiều hạng mức “rủi ro” mà các hãng định mức tín nhiệm dành cho Hy Lạp. Hiện Hy Lạp là quốc gia duy nhất trong Eurozone bị dành cho định mức tín nhiệm này.

Số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy, tổng nợ chính phủ của Bồ Đào Nha vào cuối năm 2009 đứng ở mức 77% GDP, ngang với tỷ lệ nợ công của các đầu tàu kinh tế châu Âu như Pháp và Đức. Tuy nhiên, quy mô GDP của Bồ Đào Nha nhỏ hơn nhiều so với hai nền kinh tế trên và dự báo là sẽ không sớm phục hồi khỏi suy thoái.

Chính phủ Bồ Đào Nha dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Jose Socrates đã công bố một loạt biện pháp nhằm đưa thâm hụt ngân sách từ mức 7,3% trong năm nay về mục tiêu 4,6% vào năm 2011.

Trong đó, những công chức có thu nhập cao nhất sẽ bị giảm lương 5%, thuế giá trị gia tăng được nâng thêm 1%, và những ai có thu nhập từ 150.000 Euro mỗi năm trở lên sẽ bị đánh thuế thu nhập. Đến năm 2013, đối tượng này sẽ đối mặt với thuế suất 45%.

Ngoài ra, đến năm 2013, chi tiêu quân sự của Bồ Đào Nham sẽ bị cắt giảm 40%. Chính phủ nước này cũng đã hoãn lại việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Lisbon-Porto và Porto-Vigo.