08:50 19/06/2007

Moscow là thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Kiều Oanh

Thủ đô Moscow của Nga tiếp tục chiếm giữ vị trí thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới

Đây là năm thứ hai liên tiếp Moscow đứng ở vị trí này.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Moscow đứng ở vị trí này.
Thủ đô Moscow của Nga tiếp tục chiếm giữ vị trí thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp Moscow đứng ở vị trí này.

Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu mức sống năm 2007 của Công ty Tư vấn nguồn nhân lực Mercer.

Thủ đô London của nước Anh, năm ngoái đứng ở vị trí thứ 6 nhưng năm nay đã nhảy lên vị trí thứ 2 trong xếp hạng của báo cáo này.

Ba thành phố còn lại trong top 5 thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo xếp hạng của Mercer là các thành phố châu Á: Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Hồng Kông (Trung Quốc).

Để thực hiện báo cáo này, các chuyên gia của Mercer đã tiến hành khảo sát 200 yếu tố bao gồm giá cả chỗ ở, quần áo và thực phẩm tại 143 thành phố trên 6 châu lục.

Nơi có mức giá thuê một căn hộ hai phòng không bao gồm đồ đạc là Tokyo, với mức giá 2.110 Bảng Anh/tháng. Trong khi đó, nơi có mức giá thuê căn hộ tương tự thấp nhất là thủ đô Johannesburg của Nam Phi, với mức giá chỉ là 490 Bảng/tháng.

Tại Moscow, một cốc cà phê có giá 3,14 Bảng, còn tại Buenos Aires của Argentina, chỉ cần có chưa đầy 1 Bảng là bạn đã có thể có một cốc cà phê tương tự.

Theo các chuyên gia của Mercer, giá bất động sản ở mức cao và giá trị đồng Rúp tăng so với USD chính là những nhân tố chủ đạo khiến Moscow tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng về mức giá sinh hoạt. Những gì diễn ra ở London cũng tương tự, khiến thành phố này nhảy từ vị trí thứ 6 trong báo cáo năm ngoái lên vị trí thứ 3 trong năm nay.

Một chuyên gia của Mercer cho biết, đã có những thay đổi lớn trong xếp hạng năm nay và nguyên nhân chính của những thay đổi này chính là biến động tỷ giá hối đoái, đặc biệt là sự mất giá của USD trong khi đồng EUR đang mạnh lên.

Tại châu Âu, đồng EUR tăng giá đã đẩy mức giá sinh hoạt ở nhiều quốc gia lên cao, đặc biệt là ở Đức và Tây Ban Nha. Đã có tới 6 thành phố của châu Âu nằm trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong báo cáo này.

Tại Trung Đông, thủ đô Tel Aviv của Israel là thành phố đắt đỏ nhất, chiếm vị trí thứ 17 trong toàn bảng xếp hạng. Năm ngoái, thành phố này ở vị trí thứ 24. Trong khi đó, các thành phố của Tiểu vương quốc Arab thống nhất tụt hạng mạnh vì đồng tiền của nước này được neo giá vào đồng USD.

Châu Á có 4 thành phố đứng trong top 10 của báo cáo năm nay. Ngoài Seoul, Tokyo và Hồng Kông trong top 5 còn có Osaka đứng ở vị trí thứ 8. Thành phố lớn nhất nước Úc, Sydney, là thành phố đắt đỏ nhất ở châu Đại Dương, đứng ở vị trí thứ 21 trong bảng xếp hạng.

Tại châu Phi, thành phố đắt đỏ nhất là thành phố lớn nhất của Cameroon, Doula, chiếm vị trí thứ 24 trong bảng xếp hạng. Thủ đô Hararee của Zimbabue không được đưa vào cuộc điều tra năm nay vì đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với tỷ lệ lạm phát hiện ở mức cao nhất thế giới là 3.714%.

Tại Bắc Mỹ, New York tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất. Tuy nhiên, thành phố này đã tụt từ vị trí thứ 5 trong báo cáo năm ngoái xuống vị trí thứ 15 trong báo cáo năm nay. Giá cả sinh hoạt tại các thành phố khác của Mỹ cũng được xem là đã giảm xuống nhiều so với năm ngoái.

Bà Powers, chuyên gia tư vấn trưởng của Mercer nói: “Những thay đổi này phản ánh xu hướng ngược lại so với những gì diễn ra vào thời điểm này năm ngoái. Khi đó, phần lớn các thành phố tại Mỹ đều thăng hạng do đồng USD mạnh.”

Tại Nam Mỹ, hai thành phố đắt đỏ nhất là Sao Paulo (vị trí 62) và Rio de Janeiro (vị trí 64) của Brazil. Tuy nhiên, hai thành phố này cũng đã tụt 20 hạng so với xếp hạng năm ngoái.

Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng (vị trí 143) là Thủ đô Asuncion của Paraguay. Đứng ở vị trí thứ 141 và 142 là các thành phố Karachi của Pakistan và thủ đô Quito của Ecuador.

(Theo BBC)