15:41 24/08/2016

Một lần nữa, xem xét dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Nguyên Hồng

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nghiên cứu đề án cụ thể

Từ cuối năm 2011, sau khi xây dựng và triển khai đề án xử lý nợ xấu, vấn
 đề sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cũng từng được đặt ra với những ý 
kiến trái chiều.
Từ cuối năm 2011, sau khi xây dựng và triển khai đề án xử lý nợ xấu, vấn đề sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cũng từng được đặt ra với những ý kiến trái chiều.
Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, vừa công bố, tiếp tục gây chú ý khi gợi mở lại khả năng sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Trong các nội dung chính của dự thảo, vấn đề trên không được đề cập cụ thể. Nhưng phần phụ lục đưa ra danh mục chương trình liên quan.

Theo đó, dự kiến trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết “Đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu”.

Nếu đề án trên được xây dựng và trình Quốc hội, thêm một lần nữa hướng sử dụng ngân sách Nhà nước lại được đưa ra, sau 5 năm triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Trước đó, trong tài liệu phục vụ cho phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tái cơ cấu nền kinh tế vào ngày 1/10/2014, Chính phủ đã đưa ra kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước”.

Tuy nhiên, ít ngày sau đó, nội dung trên được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đưa vào báo cáo trình Quốc hội.

Từ cuối năm 2011, sau khi xây dựng và triển khai đề án xử lý nợ xấu, vấn đề sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cũng từng được đặt ra với những ý kiến trái chiều. Và cho đến nay, không sử dụng ngân sách Nhà nước vẫn đang là quan điểm thống nhất.

Nhưng với dự thảo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 nói trên, khả năng sử dụng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu tiếp tục được đặt ra để xem xét.

Cũng trong dự thảo đề án này, hướng sử dụng nguồn phí bảo hiểm tiền gửi để tái cơ cấu ngân hàng cũng là một hé mở được chú ý.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016 và về gần mức 2,52% cuối 2015.