09:55 20/02/2023

Làn sóng phá giá đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi

An Huy

Một loạt vụ phá giá tiền tệ trong thời gian gần đây đã cho thấy sức ép lớn đè nặng lên nhiều nền kinh tế mới nổi, khi sức mạnh của đồng USD buộc các quốc gia này phải “đốt” dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: MarketWatch.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: MarketWatch.

Đối với một số nước lâm khủng hoảng nợ, phá giá đồng tiền cũng là một lựa chọn “bất khả kháng” để đổi lấy sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Hồi tháng 1 và đầu tháng 2 này, Ai Cập, Pakistan và Lebanon đồng loạt từ bỏ chính sách neo buộc tỷ giá đồng nội tệ vào đồng USD mà các nước này đã theo đuổi suốt nhiều năm. Tỷ giá đồng bạc xanh, sau khi đạt mức cao nhất 20 năm hồi cuối tháng 9, đã giảm trong mấy tháng qua nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân lịch sử.

SỨC ÉP VỚI CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI VÀ SƠ KHAI

Các nhà kinh tế học và NHÀ đầu tư bày tỏ lo ngại sẽ có một loạt nền kinh tế mới nổi và sơ khai nữa phải “đầu hàng” trước các lực lượng thị trường và phải phá giá đồng tiền, tương tự như các quốc gia kể trên.

Trao đổi với tờ Financial Times, chuyên gia kinh tế trưởng Robin Brooks của Viện Tài chính quốc tế (IIF) nói “có nhiều sức ép buộc các nền kinh tế mới nổi phải phá giá đồng tiền”. Ông Brooks nhận định Ukraine, Nigeria và Argentine là ba trong số những nước có khả năng phải chứng kiến đồng nội tệ chịu áp lực đứt neo tỷ giá, nhất là trong trường hợp xung đột Nga-Ukraine leo thang khiến lạm phát tăng mạnh, dẫn tới lãi suất tại các nền kinh tế phát triển tăng cao hơn, thúc đồng USD tăng giá trở lại.

Các số liệu lạm phát và việc làm ở Mỹ thời gian gần đây đang khiến thị trường tài chính lo ngại rằng nhà đầu tư đã lạc quan thái quá về đường đi trong tương lai của lãi suất ở Mỹ. Giới chuyên gia giờ đây tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất lên mức cao hơn và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với dự kiến ban đầu mới có thể khống chế được lạm phát.

Ngoài áp lực từ tỷ giá mạnh của đồng USD, đối với Ai Cập, Pakistan và Lebanon, phá giá đồng nội tệ cũng là một biện pháp để giành được sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ IMF. Theo dữ liệu từ định chế có trụ sở ở Washington DC này, 60% số quốc gia thu nhập thấp đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng căng thẳng nợ (debt distress) hoặc đã ở trong tình trạng đó rồi. Hiện tại, có ít nhất trên 20 quốc gia đang “xếp hàng” chờ xin gói giải cứu của IMF. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia đối mặt “bài kiểm tra” về tỷ giá trong năm nay.

“Rất có khả năng sẽ có thêm các vụ phá giá đồng tiền ở các nền kinh tế sơ khai đang ở vị thế yếu. Khi dự trữ ngoại hối cạn kiệt, các nước này mất khả năng bảo vệ tỷ giá. Nhà đầu tư có tài sản ở các thị trường đó nên tính đến việc phòng hộ rủi ro phá giá đồng tiền”, chiến lược gia Brendan McKenna của Ngân hàng Wells Fargo ở New York nói.

Chiến lược gia Hasnain Malik của Tellimer ở Dubai cũng cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng về những biến động có thể xảy ra ở các quốc gia đang có nguy cơ phá giá đồng tiền. “Việc phá giá tiền tệ sẽ khiến cho thị trường chứng khoán ở một số nền kinh tế mới nổi và sơ khai trở thành nơi mà nhà đầu tư không nên động đến”, ông Malik nói, nhắc đến những cái tên như Argentina, Ai Cập, Ghana, Lebanon, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka và Zimbabwe.

Đợt phá giá 23% đồng nội tệ tính từ thời điểm 4/1 tới nay của Ai Cập là lần phá giá đồng tiền lần thứ  ba của nước này kể từ tháng 3 năm ngoái - thời điểm Chính phủ nước này bắt đầu nới neo tỷ giá đã áp dụng suốt 5 năm. Kể từ đó, đồng Bảng Ai Cập đã mất khoảng một nửa giá trị so với đồng USD.

Đồng Rupee của Pakistan mất giá khoảng 1/5 so với USD sau khi Chính phủ nước này nới kiểm soát tỷ giá vào hôm 26/1. Ngân hàng Trung ương Lebanon hôm 1/2 xoá bỏ neo buộc tỷ giá đã áp dụng từ năm 1997, khiến tỷ giá đồng nội tệ của nước này so với đồng USD ngay lập tức giảm 90%.

MỘT LỰA CHỌN KHÔNG HỀ DỄ CHỊU

Đối với nhiều quốc gia có tỷ giá đồng nội tệ mạnh một cách giả tạo, việc quyết định có phá giá đồng tiền hay không là một lựa chọn không hề dễ chịu. Bảo vệ neo buộc tỷ giá khiến cho dự trữ ngoại hối vốn dĩ đã ít ỏi của các nước này mỗi ngày một cạn, đồng thời gây cản trở tăng trưởng kinh tế vì khiến giá hàng hoá xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng phá giá đồng tiền lại thổi bùng lạm phát vì làm cho giá nhập khẩu hàng hoá leo thang, đồng thời đẩy cao chi phí phục vụ cho việc trả các khoản nợ ngoại tệ.

Ukraine - nền kinh tế đang kiệt sức vì xung đột với Nga - trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6/2022 đã phải tăng mức độ can thiệp hàng tháng vào thị trường tiền tệ từ 300 triệu USD lên 4 tỷ USD. Khi cạn dự trữ ngoại hối, Chính phủ ở Kiev chấp nhận để đồng nội tệ Hryvnia trượt giá gần 25% so với đồng USD trong tháng 7. Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, Ngân hàng Trung ương Ukraine lại phải chi hơn 3 tỷ USD mỗi tháng để bảo vệ mức neo tỷ giá mới, dẫn tới những đồn đoán cho rằng nước này sớm muộn gì cũng sẽ phải phá giá đồng tiền thêm lần nữa.

Chuyên gia Viktor Szabo thuộc Công ty quản lý đầu tư Abrdn nói rằng “phá giá không phải là chính sách tốt nhất đối với Ukraine vào lúc này mà sẽ chỉ mang đến thêm lạm phát và làm gia tăng nỗi khổ của người dân”.Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã thẳng thừng bác bỏ khả năng phá giá đồng tiền thêm lần nữa, nói rằng tiền viện trợ của nước ngoài sẽ giúp duy trì dự trữ ngoại hối của nước này trên ngưỡng hiện tại 30 tỷ USD trong cả năm nay.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2023 phát hành ngày 20-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Làn sóng phá giá đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi - Ảnh 1