Một tập đoàn ngành xây dựng đề xuất làm cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4
Một tập đoàn ngành xây dựng đang đề xuất TP.HCM cho phép thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức hợp đồng BT...

Trong văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã đề xuất Thành phố cho phép doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức hợp đồng BT được quy định tại Luật số 57/2024/QH15 ban hành ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Tập đoàn Trung Nam cho rằng việc đầu tư cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM huy động nguồn lực tư nhân để phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và giảm áp lực cho ngân sách Thành phố.
Cùng với đó, nhà đầu tư cam kết sẽ huy động nguồn lực tối ưu để triển khai 2 dự án hiệu quả, đảm bảo chất lượng và trình hồ sơ ngay khi được Ủy ban nhân dân TP.HCM chấp thuận chủ trương nhằm rút ngắn tiến độ.
Ngoài ra, Tập đoàn Trung Nam cũng cho biết doanh nghiệp có lợi thế vì trước đây Liên danh Trung Nam Group - Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã từng nghiên cứu lập đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và đã bàn giao hồ sơ nghiên cứu để Sở Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng thẩm định TP.HCM ngày 1/12/2023.
Được biết, dự án cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4 nằm trong bốn dự án trọng điểm của Thành phố. Cùng với dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); mở rộng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm).
Cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè, vượt sông Soài Rạp, tổng chiều dài khoảng 7,3 km. Công trình bắt đầu từ đường 15B (song song với Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè), vượt sông và nối vào đường Rừng Sác ở huyện Cần Giờ. Cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Thành phố, dự án cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, giúp kết nối giao thông giữa huyện đảo Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và các khu vực lân cận. Việc này sẽ giải quyết ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho tuyến đường Rừng Sác.
Còn đối với dự án cầu Thủ Thiêm 4, dự kiến cầu được xây dựng dài hơn 2 km với 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) và Khu đô thị mới Nam TP.HCM. Công trình nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn tại phà Cát Lái.
Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng; trong đó TP.HCM sẽ chi khoảng 2.826 tỷ đồng tham gia đầu tư, phần còn lại nhà đầu tư huy động.
Cầu Thủ Thiêm 4 khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Thủ Đức, Bình Thạnh với các quận 7, 8, Nhà Bè và Bình Chánh. Đồng thời, giảm tải cho các trục đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh.
Hai dự án đều được Sở Giao thông vận tải đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).