10:57 08/06/2023

Mùa cao điểm du lịch, cẩn trọng với mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”

Tường Bách

Ngày 6/6, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản số 906/TCDL-KS gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nội dung văn bản, thời gian qua, Tổng cục Du lịch nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”, nội dung phản ánh ngoài việc người mua (chủ sở hữu tuần nghỉ) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, còn phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường gây thiệt hại cho các chủ sở hữu; gây nhầm lẫn cho người mua thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ...

Do đó, để tránh tình huống bất lợi không mong muốn xảy ra cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức về mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương.

Đầu tiên, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu, chào bán "sở hữu kỳ nghỉ", cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ sẽ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp. Trước khi quyết định giao kết hợp đồng, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ về nhu cầu của bản thân, gia đình; so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc "cam kết miệng" của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng...

Tổng cục Du lịch đã nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”.
Tổng cục Du lịch đã nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”.

Đặc biệt, khách hàng phải xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng…

Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng, không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ. Chẳng hạn, các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng như: Thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao lâu, có đi kèm điều kiện gì không…

Các điều khoản bất lợi cho khách hàng cũng có thể xuất hiện trong hợp đồng: Hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên...

Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu các sở quản lý du lịch địa phương cần yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” phải quảng bá, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua...

Mô hình timeshare đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và được coi là “hái ra tiền”.
Mô hình timeshare đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và được coi là “hái ra tiền”.

Mô hình sở hữu kỳ nghỉ (timeshare) là một hoạt động chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng trong một khung phận địa lý nhất định. Nói cách khác, đây là mô hình du lịch cung cấp quyền lưu trú cho người mua tại khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 - 5 sao. Người sở hữu kỳ nghỉ được lưu trú trong một khoảng thời gian xác định ở một số năm nhất định, có thể trao đổi với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng khác trong chương trình. Mô hình này đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và được coi là “hái ra tiền”.

Nhiều đơn vị lớn như Hilton, Sheraton, Marriot hay Disney… đã áp dụng thành công mô hình chia sẻ kỳ nghỉ và đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Trong khi Marriott có hơn 60 cơ sở lưu trú hoạt động theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ với 400,000 khách hàng thành viên, thì Hilton cũng không kém cạnh với khoảng 325,000 khách hàng, còn Wyndham gần chạm ngưỡng 1 triệu người.

 
Theo báo cáo của Quỹ ARDA (ARDA International Foundation), doanh thu của ngành công nghiệp timeshare tăng trưởng gần gấp đôi trong năm 2021 với 8,1 triệu đô la Mỹ, trong khi doanh thu năm 2020 là 4,9 triệu đô.

Là hình thức quen thuộc với cộng đồng du lịch quốc tế nhưng ở Việt Nam, mô hình timeshare vẫn còn khá mới mẻ, nhiều khách hàng còn chưa hiểu được đúng bản chất, ý nghĩa cũng như lợi ích thực sự mà sản phẩm này mang lại. Thậm chí, khi du nhập vào Việt Nam, mô hình này đã bị biến tướng, khiến người tiêu dùng không còn quá mặn mà, dần mất “thiện cảm”.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, việc sở hữu kỳ nghỉ tại một số dự án đang biến tướng thành mô hình hút tiền đa cấp. Người mua kỳ nghỉ dưỡng không có quyền chuyển nhượng cũng không có quyền linh hoạt sử dụng. Nếu như bản chất của sở hữu kỳ nghỉ là mang đến cho người tiêu dùng những kỳ nghỉ đúng nghĩa thì một số chủ đầu tư lại chỉ tập trung vào tâm lý đầu tư lướt sóng đầy rủi ro. Chất lượng dịch vụ của loại hình này cũng không đáp ứng được cam kết.

Nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, hợp đồng minh bạch và quyền lợi được đảm bảo thì timeshare là một mô hình du lịch hữu ích.
Nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, hợp đồng minh bạch và quyền lợi được đảm bảo thì timeshare là một mô hình du lịch hữu ích.

Đã có không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ, không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo. Chẳng có chuyến du lịch nào. Tiền cũng không thể đòi lại. Cơ quan công an cũng đã xác định có dấu hiệu lừa dối khách hàng của một số công ty. Những bản hợp đồng được người dân đặt bút kí với những điều khoản bất lợi cho họ, thậm chí chỉ có trách nhiệm của người mua phải nộp tiền mà không có trách nhiệm phía công ty bán thẻ. Nhiều công ty khi bị kiểm tra thậm chí đã chuyển từ địa điểm này sang nơi khác để tiếp tục hoạt động.

Theo luật gia Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều khiếu nại về sản phẩm "sở hữu kỳ nghỉ". Ví dụ như công ty đó đưa ra danh sách các khách sạn 5 sao, nhưng khi khách hàng muốn đi nghỉ thì với lý do là không còn phòng, không có khách sạn, công ty tự chuyển du khách qua khách sạn khác hoặc địa điểm khác... Theo bà Thu, những hợp đồng sản phẩm như thế này tồn tại rất nhiều điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng.

"Đã đóng tiền thì không được trả lại trong bất cứ trường hợp nào, hoặc điều khoản không được quyền khiếu nại công ty vì bất cứ lý do gì. Đó là những điều khoản bất hợp lý và vi phạm vào Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật dân sự. Do đó tôi khuyến cáo người đi ký hợp đồng bao giờ cũng phải rất cẩn trọng, đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, dù trong trường hợp nào cũng không ký gấp", luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nhận định.