15:48 17/03/2023

Mua nhà ở đô thị ngày càng khó

Thanh Xuân

Mức thu nhập bình quân của người dân tại những đô thị lớn vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng của giá nhà. Càng ngày, khoảng cách đó càng tăng lên, khiến việc sở hữu nhà ở càng thêm khó…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho biết, hiện nay giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội là 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố, 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự, 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư.

ĐỂ SỞ HỮU NHÀ MẶT PHỐ PHẢI "CÀY" 169 NĂM

Đơn vị này ước tính, thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Thủ đô, người dân cần “cày cuốc” 169 năm, còn muốn sở hữu biệt thự cần 132 năm, nhà riêng mất 47 năm và mua căn hộ chung cư là 23 năm (giả thiết họ dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà).

Trong khi đó, ở TP. Hồ Chí Minh, mức thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 có thể đạt 148 triệu đồng/năm, thì với giá rao bán trung bình một căn nhà mặt phố 25 tỷ đồng, sẽ tương đương 169 năm thu nhập bình quân của người lao động. Giá trung bình mỗi căn biệt thự 24 tỷ đồng, tương đương 162 năm thu nhập. Giá nhà riêng rơi vào 7,9 tỷ đồng/căn lại bằng 53 năm thu nhập.

Còn chung cư rao bán ở mức giá trung bình 3,5 tỷ đồng/căn phải cần 24 năm thu nhập. Mặc dù so những loại hình khác, số năm tích lũy mua chung cư của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều, nhưng đây vẫn là một con số lớn. Bởi giá trung bình căn hộ chung cư vùng thủ đô Tokyo (Nhật Bản) năm 2019 chỉ 8,8 năm thu nhập bình quân hộ gia đình, giá căn hộ sơ cấp Singapore năm 2020 rơi vào tầm 15,4 năm thu nhập bình quân hộ gia đình.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nhận xét Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á về mức độ chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Từ năm 2018 đến 2021, tỷ lệ chênh lệch giá bất động sản so thu nhập bình quân của người Việt Nam không ngừng tăng, vượt cả Singapore. Trong khi chỉ số này ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan lại xuất hiện dấu hiệu giảm xuống. Đưa ra dự báo, vị chuyên gia cho rằng: “Khoảng cách giữa giá nhà với thu nhập bình quân của người dân khả năng ngày càng tăng lên, và giá bất động sản cũng khó có xu hướng giảm”.

Tương tự, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nêu, hầu hết người trưởng thành trong độ tuổi lần lượt từ 18-25 và 26-41 đều muốn sở hữu một ngôi nhà vào ngày nào đó, hoặc thậm chí ngay bây giờ. Mong mỏi về nơi an cư của họ rất lớn, tuy nhiên cái khó hiện nay là giá nhà tăng quá cao nếu so sánh cùng thu nhập. “Thị trường nhà đất đã phát triển như “vũ bão" những năm qua. Nhu cầu gia tăng giữa tình trạng “đói cung” vì các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để. Cộng hưởng cùng sự phát triển của hệ thống hạ tầng, giao thông, đường xá thuận tiện, đất đai mỗi ngày lại tích lũy thêm giá trị nội tại, khiến giá nhà tăng vọt với tốc độ kỷ lục”, vị đại diện này chia sẻ.

CÓ THỂ MANG ĐẾN NGUY CƠ TRONG TƯƠNG LAI

Thực tế giá bất động sản, đặc biệt giá nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so thu nhập của người lao động, khiến người lao động, nhất là người thu nhập thấp đô thị rất khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Bởi, theo thống kê của Bộ Xây dựng, căn hộ bình dân mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại các dự án nhà ở thương mại hầu như đã mất hút ở khu vực trung tâm đô thị Hà Nội, TP.HCM. Căn hộ mức giá này chỉ xuất hiện ở một số ít dự án thuộc khu vực xa trung tâm như quận, huyện của hai thành phố.

Chuyên gia bất động sản đánh giá, tình trạng trên có thể mang đến nguy cơ trong tương lai, chỉ cần một cú sốc là thị trường sẽ gánh hệ lụy. Vì vậy, cần có biện pháp khắc phục kịp thời, mà một trong đó là sớm triển khai đề án phát triển nhà ở vừa túi tiền.

Liên quan đến vấn đề trên, tại hội thảo về thị trường bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định nhằm kiềm chế sự bất ổn của thị trường bất động sản, đặc biệt đối với giá nhà, cần sớm gỡ vướng trong các khung chính sách hiện tại. Chẳng hạn phải cụ thể hóa thành quy định, hoặc làm rõ hơn cơ chế tài chính, bao hàm những quy định về chính sách, chương trình ưu đãi cho phát triển nhà ở dành cho số đông, để chủ đầu tư thêm sự lựa chọn khi phát triển một dự án.

Đồng quan điểm, các chuyên gia khác cũng nhìn nhận, chương trình phát triển nhà ở quốc gia của Việt Nam có nhiều mục tiêu, nhưng có trường hợp chính sách đi kèm với mục tiêu lại chưa phù hợp, nên hiệu quả không cao, điển hình là chương trình phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, cơ chế ưu đãi dành cho nhà phát triển nhà ở xã hội cần được cải thiện bằng công cụ như: vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận trên cơ sở cân đối mức thu nhập của đối tượng được ưu đãi mua nhà ở xã hội… có như vậy mới thu hút được nhiều nguồn lực tham gia phát triển.