14:21 20/05/2007

Mua quyền mua cổ phiếu: Trắng tay, không thể kiện

Nếu không tính toán kỹ, sẽ lỗ nặng sau khi cộng tổng số tiền mua quyền và tiền mua cổ phiếu ưu đãi

Khi nào có sổ sở hữu cổ đông như thế này nhà đầu tư mới an tâm.
Khi nào có sổ sở hữu cổ đông như thế này nhà đầu tư mới an tâm.
Nhà đầu tư mua “quyền mua cổ phiếu” là “cầm đèn chạy trước ôtô”, nhưng rất nhiều người vẫn lao vào cuộc chơi này.

“Con chưa sinh đã cho đi ở đợ”!

Mới đây, UBND Tp.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM về vấn đề cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Tạm thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM chưa đồng tình đề án cổ phần hóa của Bệnh viện Bình Dân và yêu cầu Sở Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo đề án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân làm rõ một số vấn đề.

Nhận được tin này, nhiều người đã mua quyền của một số cán bộ công nhân viên trong Bệnh viện Bình Dân như “ngồi trên đống lửa” vì không biết “số phận” quyền mua cổ phiếu của mình sẽ đi về đâu?

Mặc dù vậy, ngoài thị trường, trên “sàn tự do” (quán cà phê, trên mạng…), nhiều nhà đầu tư vẫn săn lùng để mua quyền mua cổ phiếu. Một nhóm nhà đầu tư “bật mí”, sau Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ cổ phần hóa, nên họ đang tìm cách móc nối với nhân viên trong Bệnh viện này để thỏa thuận mua quyền, nghe đâu 100 triệu/1.000 cổ phiếu.

Khi người viết kiểm tra lại thông tin này thì được Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trả lời: “Vào đầu năm 2007, Bệnh viện Gia Định nhận được thông báo những bệnh viện nào ổn định, tự chủ về mặt tài chính có thể đăng ký cổ phần hóa. Theo tôi được biết, Tp.HCM có khoảng 6 bệnh viện đã đăng ký, trong đó có Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ một quyết định nào của cơ quan chức năng đồng ý cho phép cổ phần hóa”.

Ngoài các bệnh viện, các ngân hàng của Nhà nước cũng đang trong “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư. Mặc dù Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nằm trong danh sách đơn vị Nhà nước phải cổ phần hóa nhưng vẫn chưa biết thời gian chính thức cổ phần hóa. Thế nhưng, trên thị trường đã có mức giá chào bán quyền mua cổ phiếu của cán bộ công nhân viên Vietcombank với giá 60 triệu đồng/năm thâm niên công tác.

Một công ty chuyên về du lịch, khách sạn ở Vũng Tàu vừa có dự định xây dựng một khách sạn 4 sao tại Côn Đảo, lập tức trên thị trường đã hình thành ngay “chợ” mua bán “thâm niên công tác” của cán bộ công nhân viên trong công ty này với giá 20 triệu đồng/năm công tác.

Vị tổng giám đốc của công ty này xác nhận: “Chỉ mới dự định thôi và nếu có thực hiện thì từ khâu lập đề án, thuê đất, xin giấy phép, rồi xây dựng cũng phải mất ít nhất từ 4 đến 5 năm mới hoàn thành”.

Vì sao nhà đầu tư khoái mua quyền?

Tham khảo ý kiến từ nhiều nhà đầu tư tìm mua quyền, họ cho rằng, đối với những đơn vị của Nhà nước làm ăn tốt, có tiềm năng, nếu đợi đến lúc phát hành ra công chúng thì khó tới tay họ mà sẽ lọt vào những đại gia nên không mua quyền thì sẽ “thua” và sau khi mua, có thể bán “quyền” này lại cho người khác kiếm lời.

Theo nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần: cán bộ công nhân viên được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc. Vì vậy, cán bộ công nhân viên trong công ty sẽ được ưu tiên quyền mua cổ phiếu và chắc chắn sẽ có cổ phiếu trong tay, khỏi phải đấu giá mệt mỏi. Điều quan trọng là giá mua cổ phiếu của cán bộ công nhân viên chỉ cao hơn mệnh giá chút ít. Còn nếu áp dụng theo quy định của Nhà nước thì cũng chỉ trả bằng 60% giá đấu bình quân.

Ngoài ra, người mua cổ phiếu ưu đãi cũng được hưởng nhiều quyền lợi như chia tách cổ phiếu, thưởng, chia cổ tức…

Tuy nhiên, TS. Phan Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM (Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ và Quản trị ngân hàng), cho rằng: “nhà đầu tư mua quyền là mạo hiểm bởi có 2 yếu tố: (1) Dựa vào điều gì để đánh giá giá trị cổ phiếu chưa có mặt trên thị trường? (2) Nếu không tính toán kỹ sẽ lỗ nặng sau khi cộng tổng số tiền mua quyền và tiền mua cổ phiếu ưu đãi khi công ty bán cổ phiếu đấu giá IPO”.

TS. Minh phân tích thêm: Giả sử một nhà đầu tư mua quyền mua cổ phiếu của nhà máy Đạm Phú Mỹ (mới đấu giá vừa rồi) với giá 30 triệu đồng/1.000 cổ phiếu thì sẽ bị lỗ vì lấy 30 triệu đồng chia cho 1.000 cổ phiếu = 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi đấu giá IPO thành công, Đạm Phú Mỹ chỉ đạt giá bình quân 54.000 đồng/cổ phiếu (làm tròn từ 54.400 đồng), nhà đầu tư này phải trả tiền mua cổ phiếu ưu đãi theo quy định của Nhà nước bằng 60% giá bình quân, tức tương đương khoảng 32.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khi cộng 30.000 (tiền mua quyền) với 32.000 đồng (tiền cổ phiếu ưu đãi) thì giá nhà đầu tư trả đã lên tới 62.000 đồng/cổ phiếu, đắt hơn người mua cổ phiếu phổ thông 8.000 đồng/cổ phiếu.

Lấy trường hợp của Vietcombank, nếu 60 triệu đồng mua quyền chia cho 100 cổ phiếu (1 năm được mua 100 cổ phiếu theo quy định) thì đã gấp 60 lần mệnh giá của 1 cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và hưởng cổ tức cũng trên mệnh giá này), chưa kể số tiền phải trả khi được mua cổ phiếu.

Mất trắng nhưng không thể kiện

Sau khi có giá bình quân, biết lỗ nhưng nhà đầu tư buộc phải mua vì nếu không sẽ chịu mất tiền mua quyền đã đưa trước cho cán bộ công nhân viên của đơn vị phát hành cổ phiếu.

Chưa nói đến những quy định ràng buộc đối với loại cổ phiếu ưu đãi như: thời gian sau 2 hoặc 3 năm mới được sang nhượng lại cho người khác. Như vậy, nếu cổ phiếu được phát hành thì tên trong sổ cổ đông sở hữu số lượng cổ phiếu vẫn là tên của cán bộ công nhân viên chứ không phải tên của nhà đầu tư mua quyền. Lúc này hợp đồng giữa người bán và người mua chỉ là bản viết tay sang nhượng mà các chuyên gia chứng khoán gọi là “cổ phiếu biên lai” hay “cổ phiếu giấy tay”.

Khi công ty chi trả cổ tức hằng năm, dĩ nhiên người đứng tên trong sổ cổ đông mới được lãnh, rồi về đưa lại cho người đã mua cổ phiếu, cho đến khi hết thời hạn được chuyển nhượng thì nhà đầu tư mới được sang tên. Thật ra, mua quyền mua cổ phiếu kiểu này tùy vào “tấm lòng” người bán! Còn nếu họ “xù” thì cũng đành chịu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, chuyên viên phòng nghiệp vụ, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHBS), nói: “Nhà đầu tư không nên mua quyền bởi sẽ không biết chắc chắn quyền đó có được đảm bảo hay không? Ai xác nhận? Mua bán cái gì cũng phải có sự đảm bảo về mặt giao dịch, pháp lý. Chưa có cổ phiếu trên tay mà đã phải trả tiền trước là điều không hợp lý”.

Luật gia Nguyễn Văn Khôi - Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam, thì cho rằng: “Đối với những trường hợp mua bán quyền bằng viết giấy tay như vậy, về nguyên tắc không thể kiện ai được và phải chịu mất trắng. Giả sử nếu khởi kiện theo luật dân sự có sự hòa giải, người bán chấp nhận trả tiền lại cho người mua nhưng đa số người bán lại là người ít tiền thì liệu bao giờ người mua mới nhận lại đủ số tiền như ban đầu, vì vậy nguy cơ mất trắng rất lớn”.

Hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện một kiểu mua quyền mới: mua “quyền của quyền”. Khi một công ty phát hành cổ phiếu, ngoài số lượng bán cổ phần ra công chúng (đấu giá), bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên trong công ty, một phần sẽ dành ra để bán ưu đãi cho các cổ đông hoặc công ty – đối tác chiến lược với giá thấp hơn giá đấu bình quân 20%.

Như vậy, cán bộ công nhân viên của công ty hoặc cổ đông chiến lược này được quyền mua cổ phiếu ưu đãi, không ít người trong công ty đã bán lại “cái quyền” này cho nhà đầu tư khác để kiếm lợi mà không cần bỏ ra một đồng xu nào, cuối cùng người mua sau may nhờ, rủi chịu!