06:30 05/06/2009

“Mùa xuân” trên các thị trường chứng khoán đang phát triển

Kiều Oanh

Sau một năm rưỡi ròng xuống dốc, thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển đang cưỡi trên một làn sóng lạc quan

Nét lạc quan hiện rõ trên khuôn mặt các nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Ấn Độ - Ảnh: New York Times/AP.
Nét lạc quan hiện rõ trên khuôn mặt các nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Ấn Độ - Ảnh: New York Times/AP.
Nếu như thời gian này, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán New York và London chứng kiến những dấu hiệu mong manh của sự phục hồi kinh tế, thì ở các nền kinh tế đang nổi lên, những gì mà các nhà đầu tư đang chứng kiến có thể xem là “mùa xuân”.

Sau một năm rưỡi ròng xuống dốc, thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển đang cưỡi trên một làn sóng lạc quan. Giới đầu tư cổ phiếu ở các thị trường này tin rằng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu, trong đó dẫn đầu là các nền kinh tế đang nổi, nhất là Trung Quốc.

Mặc dù các hàn thử biểu tại các thị trường này hiện vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều mức đỉnh cách đây hơn 1 năm, các nhà đầu tư ở đây một lần nữa nhận thấy nền kinh tế của họ đang có những cơ hội tăng trưởng tốt hơn ở Mỹ và châu Âu.

Lạc quan pha chút thận trọng

Nhờ đó, trong vòng 3 tháng trở lại đây, chỉ số Nifty của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng 64%, chỉ số CSI 300 của thị trường Trung Quốc tăng 37%, và chỉ số Bovespa của thị trường Brazil tăng 41%. Mức tăng 28% trong cùng kỳ của chỉ số S&P 500 trên thị trường Mỹ xem ra khiêm tốn nếu so với những con số này.

“Quý 4 năm ngoái, các nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường. Tới lúc này, họ nhận ra rằng, dù thị trường vẫn đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng đó là những vấn đề trong tầm kiểm soát”, ông Gonzalo S. Pangaro, nhà quản lý danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư chứng khoán các thị trường đang lên T. Rowe Price, nhận xét.

Các nhà phân tích cho rằng, sự lên điểm gần đây của chỉ số S&P500 ít nhiều là kết quả của việc các nhà đầu tư tin tưởng rằng kinh tế Trung Quốc đang khởi sắc. Tuy nhiên, không chỉ có những thông tin kinh tế từ Trung Quốc mới đem tới sự lạc quan, mà nhiều nền kinh tế đang phát triển khác cũng đang phát đi những thông tin tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trở lại ở Trung Quốc, doanh số thị trường xe hơi Ấn Độ và doanh thu thị trường bán lẻ của Brazil cũng khởi sắc.

Liệu thị trường có phản ứng hào hứng thái quá trước những tín hiệu này? Hệ số giá/thu nhập (P/E) của các thị trường chứng khoán đang phát triển lớn đều đang ở mức cao, như 20 lần ở chỉ số Nifty của thị trường Ấn, 21 lần ở chỉ số Bovespa của thị trường Brazil, hay 29 lần ở chỉ số CSI 300 của thị trường Trung Quốc.

Quan điểm lạc quan thì cho rằng, những mức P/E này phản ánh tâm lý ham thích rủi ro đã quay lại với thị trường, nhờ triển vọng kinh tế tích cực hơn. Trong khi đó, quan điểm thận trọng thì cho rằng, kinh tế phải tăng trưởng với tốc độ 2 con số thì mới phù hợp với những mức P/E này, và như vậy đồng nghĩa với sự hình thành của bong bóng.

Thường thì các thị trường đang nổi biến động mạnh hơn theo cả chiều lên lẫn chiều xuống so với các thị trường phát triển. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (gọi chung là các nước BRIC) đều đối mặt với những vấn đề có thể cản trở sự phục hồi.

Chẳng hạn, hoạt động xuất khẩu và các dòng vốn đầu tư nước ngoài - hai yếu tố vốn rất quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển - vẫn đang ở tình trạng ốm yếu. Chi tiêu của các chính phủ đã phần nào bù đắp cho những hao hụt này, nhưng thặng dư ngân sách gia tăng ở những nước như Ấn Độ có thể hạn chế việc chính phủ tăng cường chi tiêu thêm để kích thích tăng trưởng.

Những “tia sáng”

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, hiếm thấy ai nói tới chuyện thận trọng.

Tại thị trường Ấn Độ, giá cổ phiếu tăng như vũ bão sau cuộc bầu cử toàn quốc tháng trước, do các nhà đầu tư hy vọng Chính phủ mới của nước này sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Bà Madhabi Puri-Buch, Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán Icici Securities, có trụ sở ở Mumbai, cho rằng, Ấn Độ sẽ vượt khủng hoảng tốt hơn các nước khác vì tiêu dùng nội địa của nước này vẫn tăng trưởng. Doanh số của hãng sản xuất ôtô lớn nhất Ấn Độ là Maruti Suzuki đã tăng 10% trong tháng 5 vừa qua.

Lĩnh vực đầu tư cũng đang phát đi những tín hiệu hồi phục. Các dòng vốn ngoại bắt đầu quay lại thị trường trong những tháng gần đây. Bà Buch cho biết, các công ty Ấn đang huy động được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư tổ chức.

Với quan điểm lạc quan, bà Buch dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 6% mà Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đưa ra và mức dự báo tăng 4% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho kinh tế nước này. Năm ngoái, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 6,7%.

Trong khi đó, những người giữ quan điểm thận trọng thì cho rằng, thị trường chứng khoán Ấn đã phục hồi quá xa, vì còn cần có thêm thời gian để xem Chính phủ mới của nước này hoạt động hiệu quả tới đâu.

Tại Trung Quốc, sản xuất công nghiệp cũng đã bắt đầu hồi phục, nhập khẩu các loại hàng hóa cơ bản cùng với đó tăng lên. Tuy vậy, sự phục hồi chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực phục vụ thị trường trong nước được lợi từ chương trình kích thích của Chính phủ. Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn gặp khó khăn.

Hoạt động tín dụng của các ngân hàng tăng lên đã thúc đẩy sự khởi sắc của thị trường địa ốc và ôtô Trung Quốc. Chính phủ nước này đã dành số tiền tương đương 1,02 tỷ USD để trợ giá cho người dân ở khu vực nông thông mua ôtô và các thiết bị gia dụng. Nhờ đó, trong vòng 4 tháng đầu năm nay, doanh số thị trường ôtô Trung Quốc đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nền kinh tế đang nổi lên khác ở khu vực Đông Á cũng đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi sau thời kỳ lao dốc thảm hại gần đây của lĩnh vực xuất khẩu. Kinh tế Đài Loan tăng trưởng âm 10,2% trong quý 1 năm nay, nhưng mối quan hệ gần gũi hơn giữa vùng lãnh thổ này và Trung Quốc đại lục đã giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư.

Ngân hàng trung ương các nước trong khu vực tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp. Một số ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương Philippines thậm chí tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức thấp hơn nữa.

Indonesia ít chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu do thị trường nội địa lớn và sự phụ thuộc hạn chế vào xuất khẩu. Thời gian gần đây, nước này còn được lợi nhờ nhu cầu khởi sắc của các thị trường bên ngoài đối với các mặt hàng nguyên vật liệu thô.

Trong lần suy thoái này, Brazil chịu tác động nặng nề từ sự sụt giảm của giá các loại hàng hóa cơ bản, nhưng từ tháng 1 trở lại đây, sản xuất công nghiệp của nước này đã liên tục tăng. Chính phủ Brazil dự báo, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng dương 1% trong năm nay, so với mức dự báo 3,5% đưa ra trước đó. Nhiều nhà phân tích độc lập tin rằng, Brazil tránh được tăng trưởng âm đã là may mắn.

(Theo New York Times)