Mục tiêu tăng trưởng 12-13% của ngành công nghiệp là thách thức lớn
Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023, nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng "Đó là một thách thức ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động".
Tại Hội nghị công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra vào chiều 27/12 của Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá “Những số liệu trên cho thấy vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước của ngành công nghiệp”.
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 2024 DỰ KIẾN TĂNG TRÊN 8%
Trong báo cáo tổng kết, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết trong năm 2024, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay), vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%)”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nhận định.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành công nghiệp đang dần chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo (tiêu chí và là biểu tượng của nước công nghiệp) tiếp tục tăng khá, đạt 24,1%, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ; tỷ trọng ngành khai khoáng giảm mạnh.
Kết quả trên cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao: Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn, một số địa phương tăng ở mức 2 con số.
Đồng thời, các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển như: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến khoáng sản, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế.
Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng đã từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội (nhất là trong các lĩnh vực như: Cơ khí, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; điện, điện tử; quang học; đóng mới, sửa chữa tàu và công trình thủy; sửa chữa máy bay, ra đa); công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện dần được hình thành, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị.
NHÌN THẲNG VÀO 5 HẠN CHẾ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập.
Hạn chế thứ nhất, theo Bộ trưởng, là sự phát triển còn thiếu cơ sở vững chắc. Mặc dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp gia công, những ngành công nghiệp và những phân khúc sản xuất có giá trị gia tăng thấp.
Hạn chế thứ hai, với 74,6% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI, điều này đồng nghĩa, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm 24% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.
Hạn chế thứ ba, chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và các hiệp định thương mại tự do.
Bộ trưởng nêu và chỉ ra: "Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị xuất khẩu mà phải tính bằng năng lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao? Chúng ta cần tự đánh giá lại mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc?".
Hạn chế thứ tư, ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi. “Như vậy, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao sẽ rất khó đạt”.
Hạn chế thứ năm, công nghiệp vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng...
Lấy ví dụ, về công nghiệp hoá chất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra thực trạng chúng ta vẫn đang phải hầu như nhập khẩu do chưa làm chủ được hóa chất cơ bản.
ĐIỂM DANH 6 NGUYÊN NHÂN KHIẾN CÔNG NGHIỆP CHƯA THỂ BỨT PHÁ
Sau khi phân tích những hạn chế, bất cập, Bộ trưởng chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan gây nên hiện trạng trên gồm:
Nguyên nhân thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng chúng ta vẫn chưa chủ động và chậm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chiến lược, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các cơ chế chính sách.
Nguyên nhân thứ hai, cơ chế, chính sách còn phân tán, nhỏ lẻ chưa thật sự hấp dẫn, chưa khả thi, thậm chí kém hiệu quả và chưa đi vào cuộc sống.
Ví dụ, đầu tư từ ngân sách cho một số chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ không ít; đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo không dưới 2% ngân sách hằng năm nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, một phần do chất lượng công tác tham mưu…
Nguyên nhân thứ ba, hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp chưa được phát huy, kể cả hợp tác trong xây dựng hoạch định chính sách; đào tạo; tập huấn kỹ thuật; chuyển giao một số công nghệ trong một số công đoạn… đều manh mún chưa tạo được sự chuyển động về chất trong lĩnh vực công nghiệp.
Nguyên nhân thứ tư, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, Bộ trưởng cho rằng những nước khác hút đầu tư vào bán dẫn đã hỗ trợ ngân sách rấtlớn cho nhà đầu tư như Mỹ đầu tư 280 tỷ USD, Trung Quốc hỗ trợ 92 tỷ USD; Hàn Quốc hỗ trợ 61 tỷ USD nhưng chúng ta “không có tỷ nào”.
Nguyên nhân thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, kém hiệu quả, còn tồn tại nhiều dự án đắp chiếu, vướng mắc kéo dài nhiều năm không được giải quyết.
Nguyên nhân thứ sáu, đó là sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong Bộ và giữa các Bộ ngành, địa phương còn hạn chế, nhiều bất cập.
MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CÔNG NGHIỆP 2025 LÀ THÁCH THỨC GHÊ GỚM
Ông Diên yêu cầu các đơn vị tham mưu của Bộ Công thương phải có nhiều giải pháp để góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước năm 2025, dự kiến là tăng trưởng 8% trở lên. Đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hai con số, tức là từ 10% trở lên theo định hướng của Đảng, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%.
Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023, nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào. "Đó là một thách thức ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động", Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.
Năm 2025, việc cả hệ thống chính trị đang phải rà soát, tinh gọn bộ máy, điều này có thể gây xáo trộn trong thời gian ngắn, ảnh hưởng tới triển khai công tác, cộng hưởng cùng tình hình thế giới và khu vực đầy bất ổn, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại rất khó đoán định khiến cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số càng nhiều khách thức.
Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên, đồng thời tạo đột phá cho ngành công nghiệp phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Cục Công nghiệp.
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Tiếp tục hội nhập sâu, có chất lượng vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu một cách tự tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu và đề xuất để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những cơ chế, chính sách có tính đột phá, thu hút FDI và khả thi; bắt kịp xu thế phát triển và tốc độ phát triển của thế giới theo hướng xanh, số, tuần hoàn, chia sẻ, bắt được nhịp của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực: Hợp tác quốc tế trong xây dựng thể chế; hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, kể cả chuyên gia, kể cả kỹ thuật; hợp tác trong kỹ năng quản trị; hợp tác trong chuyển giao công nghệ, có cơ chế cho doanh nghiệp FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ; hợp tác đầu tư, đặc biệt là hợp tác đầu tư ra nước thông qua cơ chế đa phương, song phương, thông qua thu hút đầu tư FDI, thông qua hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Thứ tư, khẩn trương tiếp thu và hoàn thiện trình Chính phủ và trình Quốc hội các dự án luật có liên quan đến phát triển công nghiệp, như luật về công nghiệp trọng điểm, tham mưu sửa đổi bổ sung các luật và nghị định có liên quan đến phát triển công nghiệp. Đồng thời, tham mưu Bộ trình Chính phủ rà soát điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ năm, rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, mạnh dạn thanh lọc đội ngũ và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.