Mùi hương riêng của Tết
Bắt đầu từ Rằm tháng Giêng, ngày dương lịch sẽ bị lãng quên, nhường chỗ cho những con số chỉ ngày âm lịch thường trực trong sự tính toán sắm sanh của mọi người.
Tâm trạng hào hứng đón Tết thường bắt đầu khi thoảng bay từ bếp nhà hàng xóm mùi bánh chưng chiên. Bên hiên nhà, chậu cúc mâm xôi mới mua hôm rồi nở hoa rực rỡ phảng phất hương thơm sảng khoái đến lạ. Chả lẽ, Tết bắt đầu từ những mùi hương?Tết đương nhiên là mùi củ kiệu, dưa muối, thịt kho. Như một thói quen, cứ đến gần giao thừa, mẹ tôi lại kho một nồi thịt cho ngày Tết. Cho dù ngày nay mọi thứ đã hiện đại hơn, nhưng thói quen tự phơi kiệu để làm, tự muối dưa, tự kho thịt, đã trở thành những điều bắt buộc phải làm khi Tết đến. Thời hiện đại, có thể dễ dàng mua một hũ kiệu ngoài siêu thị, hoặc nhiều hũ dưa muối ăn dần. Nhưng mẹ tôi vẫn thích tự làm, chỉ vì tin chắc: "Tự làm mới ngon. Ở ngoài siêu thị, chưa chắc đã tốt cho sức khỏe". Nhìn những rổ củ kiệu được phơi lấp ló dưới nắng, trước khoảng sân con con, lại thấy lòng bình yên lạ.Cu nhóc con tôi thì bảo: "Tết là mùi quần áo, ga trải giường, chăn gối mới, thật thơm!" Ừ thì, dù thành thị hay nông thôn, dù nhà ngói hay nhà lầu, thì những ngày cận Tết, nhìn trên lan can hay cửa sổ, bạn sẽ thấy quần áo, chăn chiếu… đủ hoa văn, đủ sắc màu. Tết đồng nghĩa với "mới", và ai ai cũng thích chăn, ga, gối, nệm, và quần áo, thật tươm tất, thật thơm tho. Mùi quần áo quyện vào gió, thoang thoảng, lướt qua vào những buổi chiều, sẽ khiến lòng bạn nao nao, hạnh phúc khó tả. Năm mới, điều gì cũng mới.Tết cũng là mùi của nồi nước lá mùi già mẹ đun để "tẩy trần", xua đi những xui rủi năm cũ. Nồi nước mùi già đun kỹ chuyển sang màu nâu nhạt, và đặt biệt, có hương thơm nồng nàn như kết tinh của thiên nhiên, của đất trời, của hương vị đồng quê, của rơm của rạ. Rửa mặt nước lá mùi không chỉ để mình thấy thoải mái, sạch sẽ và thơm tho đón xuân mà như để tẩy đi những phiền não, lo toan, buồn bực, xui xẻo của năm cũ và đón chờ một năm mới với bao nhiêu hy vọng và tin tưởng.
Ảnh: internet
Ảnh: internet