00:00 02/09/2019

Mừng Quốc khánh, nhớ Bác Hồ

phùng văn khai

Mừng ngày Quốc khánh, các thế hệ đầu bạc đầu xanh bộ đội Cụ Hồ trang nghiêm kết đoàn thành khối tường đồng vách sắt mãi mãi theo gương Bác

Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961 - Ảnh tư liệu.
Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961 - Ảnh tư liệu.

Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là do nhân dân phong tặng. Vậy điều gì làm nên vẻ đẹp đã trở thành bản chất và truyền thống của quân đội ta? Đó chính là sự thân dân, gần dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, coi nhân dân như cha mẹ vợ con mình. Ở những nơi biên giới, hải đảo càng như vậy. Trong những hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh, tưởng nhớ tới Bác Hồ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đều có những hoạt động thiết thực ở mỗi cương vị công tác của mình.

Ở Tây Nguyên, nguyện vọng của bà con các dân tộc Ba na, Ê đê, Rơ rai, Xu đăng... là có được bức tượng Bác Hồ để nhân dân đến viếng Người, thổ lộ tình cảm, báo cáo những việc tốt lành với Bác. 

Từ nhiều năm trước, công trình tượng đài Bác Hồ đã được cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 15 thực hiện trong khuôn viên khu thể thao văn hóa của đơn vị. Mừng ngày Quốc khánh cũng là ngày giỗ Bác, hàng trăm đoàn cán bộ chiến sĩ tiêu biểu, các cụ già làng, cơ quan đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tới dâng hương tưởng nhớ Người.

Con cháu một nhà cùng xây dựng Tây Nguyên

Ngày trước muốn viếng Bác Hồ phải vượt hàng ngàn ki lô mét ra Hà Nội đến Lăng Chủ tịch. Bây giờ có thể chỉ cần đi bộ, đi xe đạp, xe máy, ôtô thời gian ngắn đã được chiêm ngưỡng dung nhan của Người trong khuôn viên trang trọng của Binh đoàn 15 tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai. 

Ở đây, đã hàng chục năm, người Kinh lấy người dân tộc ăn đời ở kiếp, sinh con đẻ cái như lời Bác Hồ đã dạy: Dù Kinh hay Thượng, Ba na, Ê đê, Rơ rai đều con cháu một nhà phải kết đoàn xây dựng Tây Nguyên.

Những mô hình kinh tế mọc ra theo lời Bác dạy. Ngày trước chỉ biết cắm mặt vào rừng săn bắt, hái lượm, phá rừng. Tây Nguyên tiêu điều xơ xác. Bây giờ bộ đội Cụ Hồ đến cùng với dân trồng cây gây rừng. Hàng ngàn héc ta cao su, cà phê phủ xanh Tây Nguyên, ấm từng thôn xóm. Gia đình nào cũng xây được nhà to, có nhiều xe máy, có nhiều máy cày, có nhiều ôtô để mừng ngày Quốc khánh cùng nhau xuống dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ. 

Hàng trăm đội sản xuất của Binh đoàn 15 đứng dọc ba tỉnh biên giới không chỉ làm vững biên cương mà còn góp phần làm giàu cho Tổ quốc. Đội sản xuất nào cũng muốn về dâng hương tượng Bác Hồ ngày Quốc khánh. Ai cũng muốn báo công với Bác rằng chúng con là bộ đội Cụ Hồ, là con cháu Bác Hồ đã về đây. 

Những mái tóc xoăn tít màu nắng gió, nước da nâu bóng như vỏ hạt cà phê chín rộ bạt ngàn. Những già làng Tây Nguyên ngực trần chít khăn đầu rìu đánh lên những hồi cồng, chiêng trong ngày mừng Quốc khánh. 

Tết Độc lập đã trên bảy mươi năm. Đất nước đã trưởng thành, đã sánh vai với bạn bè năm châu bốn biển chúng con càng nhớ tới Bác Hồ. Thời kinh tế thị trường sôi động, không ít những cam go chúng con càng học tập theo gương Bác. Bộ đội và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên quyết theo Đảng, theo Bác Hồ.

Mừng ngày Quốc khánh ở đồn biên phòng A Mú Sung, dưới chân cột cờ Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt những ngày đầu thu đất trời như xanh hơn, nắng miên man nhảy múa cùng chim hót. Nơi đây, dưới lá cờ đang phần phật tung bay trên bầu trời Tổ quốc là những người chiến sĩ mang quân hàm xanh, những anh bộ đội Cụ Hồ năm tháng miệt mài cần mẫn cầm bàn tay dân trồng lúa, tỉa bắp, dựng trang trại, xây đắp niềm tin bền vững nơi biên ải. 

Đồn trưởng A Mú Sung dẫn chúng tôi đến nơi tưởng niệm những người đã hi sinh. Hơn ba mươi cán bộ chiến sĩ chỉ trong một đêm thôi, đêm tăm tối của lòng người tăm tối, những kẻ đã trở mặt thành thù phía bên kia biên giới bất ngờ ập sang nổ súng. Toàn đồn hi sinh. Vết thương sâu đã mấy mươi năm dường như vẫn chưa lành. Bài học lớn về sự cảnh giác của người lính Cụ Hồ luôn nhắc nhở hàng ngày hàng phút.

Mừng ngày Quốc khánh, chúng tôi bước vào Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng với các tiến sĩ tiêu biểu của Học viện Kỹ thuật quân sự. Ngoài trời thu trong sáng lá cây xanh. Cô gái có cái tên rất gợi Đặng Thanh Vân hẳn đã thuộc lòng từng tấm bia ở nơi đây. 

Mấy vị khách du lịch người nước ngoài sán đến. Các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Pháp, Trung, Hàn... khẽ vang lên. Họ nhìn vào mắt nhau, ấm áp, tự tin, cởi mở. Tri thức luôn đưa mọi người xích lại gần nhau, không phân biệt màu da, biên giới. Văn hóa vốn trường tồn, luôn nảy nở, sinh sôi. 

Những gì thật giả đứng trước văn hóa đều trở về giá trị thực của nó. Các tiến sĩ mặc quân phục lập tức hòa vào không khí ấy. Những câu hỏi bằng nhiều thứ tiếng vang lên. Đặng Thanh Vân có vẻ hơi ngạc nhiên trước kiến thức của mấy anh bộ đội trẻ đang hội thoại cùng các vị khách ngoại quốc.

Phòng thuyết minh Văn Miếu Quốc Tử Giám, các nhân viên thường thông thạo nhiều thứ tiếng. Họ là những người chịu học, lợi khẩu và luôn biết tích lũy kinh nghiệm, làm giàu kho tri thức của mình để phục vụ nghề nghiệp. Chỉ thoáng thôi, tôi đã nhìn thấy sự nể trọng qua ánh mắt của người con gái với mấy anh bộ đội. 

Tôi đã đi nhiều vùng biên giới, hải đảo. Tiếp xúc với bộ đội gần hai mươi năm, tôi rất hiểu người chiến sĩ. Họ giản dị, chất phác, khiêm tốn, nhiều khi trở lên rụt rè. Hôm nay quả là khác. Những tiến sĩ phải khác chứ. Cho dù họ đang mang trên mình bộ quân phục. Tôi thấy một cái gì ấm áp, tin cậy, đặc biệt là sự sẻ chia, đồng cảm đang len đến với các tiến sĩ gặp gỡ bên hàng bia Văn Miếu.

Theo gương Bác, cống hiến hết tài năng công sức

Chúng tôi quan tâm và thậm chí nắm rất vững các vận động trong nền kinh tế thị trường chứ, một tiến sĩ trả lời câu hỏi của tôi về kinh tế. Anh điềm đạm tranh luận về vấn đề tác động của cơ chế thị trường tới đời sống trí thức trẻ trong quân đội.

"Bản thân tôi từng tham gia làm bên ngoài, nhiều loại việc, kết nối với các trung tâm khoa học kỹ thuật, tin học, có lúc làm đến Phó giám đốc. 

Tôi cho rằng cọ sát với bên ngoài là rất tốt. Giải quyết đời sống sinh hoạt hàng ngày phải là vấn đề quan trọng chứ. Là người chủ gia đình, anh hay tôi đều phải có những gánh vác chính yếu, đàng hoàng. Ngày hôm nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề khác ngày hôm qua trong đó có vấn đề vật chất. Không đề cao quá nó nhưng tuyệt đối không được bỏ qua nó. Bỏ qua sẽ dần dần đánh mất chính mình. 

Nhưng tôi luôn cho rằng, đối với các tiến sĩ, giảng viên trẻ của Học viện, điều quyết định và cốt yếu nhất, chính là, làm gì thì làm cũng phải tính đến sự bền vững trong việc phát huy và phát triển chuyên môn sâu của mình, không ngừng nâng cao chuyên ngành mà anh được đào tạo, mà anh đang đi đào tạo học viên, đào tạo lớp kế cận..." 

Nói đến đấy, vị tiến sĩ khẽ dừng im, tôi và ba tiến sĩ trẻ bất giác nhìn ra ngoài trời. Ở bên ngoài, dòng xe dòng người đang hối hả. Không ai nói ra nhưng ai nấy đều nghĩ đến sự sôi động và khốc liệt của đời sống ngày hôm nay đang tác động trực diện vào những người lính chúng tôi. Và chúng tôi, kỳ thực cũng đang hết sức cố gắng xoay xỏa cho tương lai phía trước của mình. Quả là những suy nghĩ từ đáy lòng người chiến sĩ nhân ngày Quốc khánh.

Vẫn là những người lính Cụ Hồ ấy, nhưng ở đây lại là những đôi vai phụ nữ nhỏ nhắn ướt đẫm mồ hôi vác những thùng đạn nặng vài chục ki lô gam nơi núi rừng khiến trong lòng chúng tôi dường như thắt lại. 

Hơn hai nghìn chị em phụ nữ ở hàng chục kho đạn nơi rừng sâu núi thẳm trong những ngày Quốc khánh lại có cách lập thành tích của riêng mình. Những nẻo đường rừng Đông Bắc, phía Bắc, Tây Bắc, miền Trung Tây Nguyên và Tây Nam bộ ở đâu có kho tàng súng đạn, ở đó thấm đẫm từng giọt mồ hôi của các chị, các anh. 

Đất nước tảo tần như đôi vai mảnh mai của người nữ chiến sĩ đang ngày đêm chăm sóc cho từng quả đạn. Năm tháng. Mưa rừng. Nắng lửa. Bão lốc. Gió sương... không thể mài mòn vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ của các chị, các anh.

Những cụm nhà trẻ râm ran nơi núi rừng bát ngát là những thanh âm cuộc sống gõ vào trái tim mỗi con người. Đã có thời gian, hàng trăm, thậm chí cả ngàn anh bộ đội ở kho tuổi đã bốn mươi vẫn độc thân. Chẳng ai muốn về quê nữa dẫu là ngày Quốc khánh. Về như lạc lõng trong chính ngôi nhà làng xóm của mình. 

Ở rừng mãi thành quá khép kín. Mẹ cha chỉ biết thở dài thương con tóc đã vương sợi bạc. Lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật, nơi quản lý hàng trăm kho xưởng nơi rừng sâu giật mình trăn trở ngẫm ngợi và quyết sách tuyển hàng trăm, cả ngàn nữ công nhân viên đưa đến để cân bằng.

Cuộc sống thật diệu kỳ. Những nụ hôn sát vách kho đạn ấm rừng rực đất trời chuyển động. Rồi nhà trẻ mọc ra. Tiếng trẻ con cười xanh mát núi rừng. Ngày Quốc khánh, tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Hồ mẹ bế con, ông dắt cháu lên hội trường múa hát. Có những việc làm xong rồi mới thấy mình vượt qua chặng đường ấy cũng thần tình, tưởng như là một giấc mơ.

Mừng ngày Quốc khánh, bộ đội Cụ Hồ khắp mọi miền đất nước, không quản là nơi biển đảo sóng gió trùng trùng, nơi biên cương hút hắt hay tận Nam Xu đăng với nhiệm vụ cứu thương trong lực lượng hòa bình Liên hợp quốc thảy đều theo gương Bác cống hiến hết tài năng và trí tuệ của mình.

Mừng ngày Quốc khánh, các thế hệ đầu bạc đầu xanh bộ đội Cụ Hồ trang nghiêm kết đoàn thành khối tường đồng vách sắt mãi mãi theo gương Bác.