07:27 22/05/2023

Muốn đủ điện phải sử dụng tiết kiệm

Vũ Khuê

Cần có các cơ chế, giải pháp đặc thù để khuyến khích nhiều đối tượng sử dụng điện khác nhau cùng chung tay tiết kiệm điện, từ đó nhân rộng những mô hình, những giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến và hiệu quả…

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất công nghiệp giúp giảm lượng điện tiêu thụ ở mức tối ưu.
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất công nghiệp giúp giảm lượng điện tiêu thụ ở mức tối ưu.

Năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước.

NGUY CƠ THIẾU ĐIỆN

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, dung tích các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt so với quy chuẩn tích nước mùa cạn, thậm chí có nơi xuống mực nước chết. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 11/5/2023, có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.

Thêm vào đó, theo đánh giá của EVN, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và các tháng 5, 6, 7. Đơn cử như ngày nắng nóng 6/5 vừa qua, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Trước thực trạng này, tại toạ đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng” ngày 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhận định, các giải pháp sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, cho đời sống xã hội trên toàn quốc.

Do đó, ngay từ đầu mùa khô năm 2023 Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành động rất mạnh mẽ để thúc đẩy chương trình tiết kiệm điện ở các địa phương, nhất là khách hàng sử dụng điện lớn. Như kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh các giải pháp, sáng kiến tiết kiệm điện…

Trên cơ sở những dự báo khó khăn trong cung ứng điện vào mùa cao điểm năm 2023, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết Hà Nội đã tuyên truyền, động viên khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm kí cam kết cùng chung tay với ngành điện giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo ổn định cấp điện.

Đồng thời, xây dựng chương trình tập huấn về các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và tiết kiệm điện.

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7 - 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố. 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng. 75% các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp Sở sẽ có tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp vận động thay đổi, chuyển đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng sang các công nghệ mới tiêu thụ ít năng lượng ít.

Sở Công Thương xây dựng chỉ tiêu phải hoàn thành 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh trong năm 2023. Dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn tiết kiệm năng lượng đến tận phường và tổ dân phố.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP

Tuy nhiên, bên cạnh sự rốt ráo triển khai các giải pháp tiết kiệm điện ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bởi chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên việc thay đổi phải có quá trình, không thể một tháng, một năm yêu cầu doanh nghiệp thay đổi cả một cơ sở hoặc một quy trình công nghệ… điều này rất khó.

Hơn nữa vẫn còn một số doanh nghiệp và người dân chưa chú trọng đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả dẫn tới tồn tại, gây lãng phí, gây thất thoát cho vấn đề sử dụng năng lượng.

Vấn đề này đòi hỏi Nhà nước xem xét, có cơ chế đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi dần từ các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng sang công nghệ mới tiết kiệm năng lượng hơn.

Để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong tiết kiệm điện, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết Bộ liên tục rà soát, xây dựng kịp thời các quy định, quy chuẩn và tham mưu cho các cấp xây dựng, ban hành các cơ chế để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Một trong những công tác trọng tâm, ưu tiên trong giai đoạn ngắn hạn là thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Triển khai, phối hợp với các địa phương truyền thông về tiết kiệm điện thông qua các chương trình như Giờ Trái đất, tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng…

Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp thiết bị năng lượng với những công nghệ tiết kiệm điện năng, bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam cho biết trong vài năm tới Daikin Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy sử dụng sản phẩm điều hòa không khí loại biến tần nhiều hơn. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu để nâng cao chỉ số về tiết kiệm điện của máy điều hòa không khí, đặc biệt là dân dụng, cũng như là thương mại và kể cả những hệ thống trung tâm.

Cùng với đó, áp dụng công nghệ xen xơ hạn chế việc con người tác động vào mà sẽ có những cảm biến nếu không thấy người sẽ tự động tắt, hoặc là nâng nhiệt độ của điều hòa lên.

Trong tương lai xa, Daikin có những dự án chuyển dịch thị trường non-Inverter, nghĩa là thị trường không tiết kiệm điện sang những máy điều hòa tiết kiệm điện 100% như Singapore hoặc Nhật Bản đã tiến hành.

Mặt khác, nâng cao việc tuyên truyền trong cấp độ phổ thông (từ học sinh từ cấp một) để hình thành một thói quen tiết kiệm điện.