Mường Lát chống chọi mưa lũ
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) có nhiều điểm bị sạt lở, giao thông chia cắt. Trong đó, xã Mường Chanh nước lũ dâng cao, chính quyền địa phương khẩn trương sơ tán nhiều hộ dân đến nơi an toàn...
Tại Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 21 đến ngày 22/9, gây ra tình trạng sạt lở đất ở ta luy dương, tràn ra đường giao thông Quốc lộ 15, Quốc lộ 16 thuộc địa phận các xã Trung Lý, Pù Nhi, Mường Chanh, huyện Mường Lát, khiến các phương tiện không thể qua lại. Lực lượng chức năng đã triển khai các phương án san, gạt đất thông đường.
Theo lãnh đạo xã Mường Chang thông tin, hiện nay nước lũ từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào đổ về khiến nước ở suối Sim dâng rất cao, chảy xiết gây ngập nghiêm trọng đường tỉnh lộ 521E nối với trung tâm huyện Mường Lát. Tình hình mưa lũ đang diễn biến khó lường trên địa bàn đã khiến 5 bản phía trên và 4 bản phía dưới của xã Mường Chanh tạm thời bị cô lập không thể đi lại được.
Đáng chú ý toàn bộ bốn cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, thậm chí có những điểm nước chảy xiết nước dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, nguy cơ xấu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét, chính quyền xã Mường Chanh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, Bộ đội biên phòng, Công an, dân quân tự vệ đến các điểm nguy cơ sạt lở vận động di dời, sơ tán khẩn cấp người dân từ sáng sớm nay đến nơi an toàn.
Sáng ngày 22/9, chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán khoảng 18 hộ dân ở ven suối Sim, nơi có nguy cơ sạt lở đến nhà văn thôn, nhà văn hóa thuộc UBND xã Mường Chanh tránh trú lũ quét, đồng thời vận chuyển tài sản người dân lên các điểm cao hơn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo, từ ngày 22/9 đến ngày 23/9, mực nước thượng lưu sông Mã lên mức báo động 1-báo động 2, trung và hạ lưu ở dưới mức báo động 1. Mực nước sông Cả có khả năng lên lại, đỉnh lũ ở hạ lưu lên mức báo động 1-báo động 2.
Đáng chú ý, theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, trên sông Hoàng Long có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt mức báo động 1-báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị ở tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.
Ngoài ra, lũ trên sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.