12:51 11/07/2019

Mường Thanh đã sai phạm những gì?

Hà Vũ

Dự án nào cũng xây vượt nhiều lần so với quy hoạch, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, lừa dối khách hàng... những vi phạm nghiêm trọng của Mường Thanh không phải đến bây giờ mới bị phát hiện

Dự án của Mường Thanh.
Dự án của Mường Thanh.

Dự án nào cũng xây vượt nhiều lần so với quy hoạch, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, có hành vi lừa dối khách hàng... những vi phạm nghiêm trọng của Mường Thanh đã được kết luận từ ba năm trước.

Như VnEconomy đã đưa tin, kết luận thanh tra toàn diện việc đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án nhà ở do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Mường Thanh)  đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư trên địa bàn Hà Nội phát hiện rất nhiều sai phạm.

Hoạt động thanh tra này được tiến hành theo chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp  cùng Công an thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai và UBND huyện Thanh Trì.

Theo văn bản này doanh nghiệp tư nhân Điện Biên có 20 chi nhánh trên các tỉnh, thành của cả nước. Tại Hà Nội, doanh nghiệp có chi nhánh là Khách sạn Mường Thanh tại lô CC2, Khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai. 

Ông Lê Thanh Thản, chủ doanh nghiệp, còn thành lập ra một số công ty trên địa bàn Hà Nội do ông là người đại diện theo pháp luật như Công ty Cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu BEMES.

Theo kết luận, doanh nghiệp tư nhân Điện Biên và Công ty BEMES đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư xây dựng 12 dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đáng chú ý, kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, cuối 2014, đầu 2015, Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật với một số dự án nhà ở, khu đô thị mới, trong đó đã thanh tra 3 dự án do doanh nghiệp tư nhân Điện Biên thực hiện gồm: khu đô thị Xa La; dự án CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai; dự án Đại Thanh, huyện Thanh Trì.

Đoàn Thanh tra Chính phủ đã thống nhất sẽ kết luận đối với 3 dự án trên, nhưng đến tháng 8 năm 2016 (thời điểm thanh tra thành phố Hà Nội ban hành kết luận 2344) vẫn chưa có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

9 dự án được Thanh tra Hà Nội thanh tra gồm: CT5 Tân Triều; VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; CT6 Kiến Hưng, VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm. Qua thanh tra cho thấy, hồ sơ pháp lý của cả 9 dự án đến nay chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Về giao đất, có 4/9 dự án chưa có quyết định thu hồi đất gồm VP3, VP6, HH1, HH2 khu đô thị Linh Đàm.

Thanh tra Thành phố kết luận: "Qua thanh tra cho thấy 9 dự án do Doanh nghiệ tư nhân Điện Biên và Công ty BEMES do ông Lê Thanh Thản, người đại diện theo pháp luật, thực hiện có nhiều vi phạm nghiêm trọng luật Đầu tư, luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Quản lý thuế".

Kết luận thanh tra sau đó cũng nêu chi tiết sai phạm của từng dự án, điển hình có dự án tăng gấp 6 lần số căn hộ được phê duyệt. Như dự án VP6, được duyệt 138 căn hộ, thực tế xây dựng 840 căn.

Với kết luận vi phạm Luật Đất đai, thanh tra Hà Nội xác định chủ đầu tư dự án không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất: chưa đăng ký quyền sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Kết quả tạm tính tiền sử dụng đất của 9 dự án là 1.345 tỷ đồng, các đơn vị mới nộp 351 tỷ đồng, tổng số tiền còn phải nộp là 998,7 tỷ đồng (tại thời điểm thanh tra).

Vi phạm Luật Xây dựng của Mường Thanh được chỉ rõ là doanh nghiệp tư nhân Điện Biên và Công ty BEMES sau khi nhận chuyển nhượng dự án trái pháp luật đã triển khai xây dựng khi chưa có giấy phép, xây dựng không đúng thiết kế cơ sở, không đúng giấy phép xây dựng, sai quy hoạch được phê duyệt.

Vi phạm của Mường Thanh còn liên quan đến Luật Quản lý thuế, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Doanh nghiệp có trụ sở và đăng ký kê khai thuế tại Điện Biên chứ không đăng ký thuế tại Hà Nội. 

Theo thông tin từ Cục thuế Điện Biên, doanh nghiệp không kê khai chi tiết việc nộp thuế của từng bất động sản tại Hà Nội nên Cục thuế tỉnh không tổng hợp được kết quả nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của từng dự án.

Theo kiểm tra của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp chưa nộp thuế của dự án Đại Thanh và dự án CT5 Tân Triều, dự án Xa La (Hà Đông) với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, Mường Thanh có biểu hiện lừa dối khách hàng khi giao dịch, bán các sản phẩm bất động sản. Các dự án khi chưa thực hiện các thủ tục để được giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư chưa được uỷ ban nhân dân thành phố cho phép đã ký chuyển nhượng dự án, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để chuyển quyền chủ đầu tư trái pháp luật cho doanh nghiệp tư nhân Điện Biên và công ty BEMES.

Do nhận chuyển quyền chủ đầu tư trái pháp luật nên hai doanh nghiệp trên chưa được công nhận là chủ đầu tư dự án. Việc hai doanh nghiệp trên sạu khi nhận chuyển quyền đầu tư trái pháp luật đã thực hiện giao dịch, ký hợp đồng mua bán, xuất hoá đơn bán các sản phẩm bất động sản với khách hàng là không đủ cơ sở pháp lý, có biểu hiện lừa dối khách hàng.

Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, Thanh tra Thành phố cũng đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan.

VnEconomy sẽ phản ánh ở bài viết sau.