07:52 19/07/2019

Mỹ bắn rơi thiết bị bay Iran ở eo biển Hormuz

An Huy

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đã “ngay lập tức phá hủy” một thiết bị bay không người lái (drone) của Iran

Một bức ảnh tư liệu về chiến hạm Mỹ USS Boxer - Ảnh: Getty/CNBC.
Một bức ảnh tư liệu về chiến hạm Mỹ USS Boxer - Ảnh: Getty/CNBC.

Tổng thống Donald Trump ngày 18/7 tuyên bố Mỹ đã "ngay lập tức phá hủy" một thiết bị bay không người lái (drone) của Iran tiếp cận tàu USS Boxer của Mỹ ở gần eo biển Hormuz. Diễn biến này là bước leo thang căng thẳng mới nhất ở Hormuz - tuyến vận tải dầu lửa quan trọng nhất thế giới.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết thiết bị bay nói trên của Iran đặt ra nguy cơ đối với chiến hạm Mỹ và thủy thủ đoàn. Ông kêu gọi "các quốc gia khác bảo vệ tàu bè của mình khi đi qua eo biển" Hormuz - hãng Bloomberg đưa tin.

Boxer là một tàu đổ bộ tấn công của Hải quân Mỹ.

"Boxer đã có hành động tự vệ trước thiế bị bay của Iran, khi thiết bị này bám sát con tàu với khoảng cách rất gần, phớt lờ mọi lời kêu gọi giữ khoảng cách và theo đó đe dọa sự an toàn của con tàu và thủy thủ đoàn", ông Trump phát biểu.

Giá dầu thế giới tăng sau tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà Trắng. Vào lúc khoảng 7h sáng ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giao dịch ở ngưỡng 55,8 USD/thùng, tăng 0,5 USD/thùng so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm. Trước đó, giá dầu đã có ba phiên giảm mạnh liên tiếp.

Một tuyên bố của Lầu Năm Góc noi rằng tàu Boxer "đang hoạt động ở hải phận quốc tế, dự kiến di chuyển của eo biển Hormuz", thì một thiết bị bay không người lái "tiến sát trong khoảng cách nguy hiểm" và "con tàu đã có hành động tự vệ".

Sự việc diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran còn đang ở mức cao sau một loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở Vùng Vịnh thời gian gần đây, vụ Iran bắn hạ một thiết bị bay không người lái của Mỹ, và vụ Anh bắt một tàu chở dầu Iran ngoài khơi Gibraltar.

Mối quan hệ Mỹ-Iran ngày càng xấu đi kể từ khi ông Trump vào năm ngoái rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc vào năm 2015. Mỹ đã tái áp trừng phạt lên Iran nhằm buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân khác.

Trước sức ép của Mỹ, Iran gần đây liên tục tuyên bố có những động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân, trong khi các nước châu Âu trong thỏa thuận loay hoay chưa tìm ra cách để tránh việc thỏa thuận rơi vào đổ vỡ.

Eo biển Hormuz là nơi đi qua của khoảng 1/3 lượng dầu lửa được vận tải đường biển trên toàn cầu hàng năm. Điều này cho thấy vai trò then chốt của eo biển này trên thị trường dầu lửa thế giới.

Khi xung đột với Mỹ tăng, Iran đã nhiều lần cảnh báo có thể đóng cửa eo Hormuz.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này hoàn toàn có khả năng đóng cửa Hormuz, nhưng không muốn làm vậy.

"Chắc chắn là chúng tôi có khả năng làm việc đó, nhưng chúng tôi hoàn toàn không muốn vì eo Hormuz và Vùng Vịnh là nguồn sống của chúng tôi", ông Zarif nói. "Eo biển này phải được an toàn. Chúng tôi đóng một vai trò lớn trong việc đảm bảo sự an toàn đó, nhưng tất cả các bên cũng cần phải làm như vậy".

Phát biểu trước báo giới ở New York hôm thứ Năm, ông Zarif cho biết ông đã đưa ra một đề xuất "quan trọng" nhằm phá vỡ thế bế tắc với Mỹ.

Mấy ngày gần đây, giới chức chính quyền ông Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran mà không đi kèm điều kiện nào. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một loạt điều kiện, bao gồm Iran phải chấm dứt hậu thuẫn lực lượng du kích ở các quốc gia khác. Ông Pompeo nói Iran phải tuân thủ điều kiện này thì lệnh trừng phạt mới được nới, trong khi Iran đòi Mỹ phải nới trừng phạt trước.