17:30 05/10/2009

Mỹ: Căng thẳng cuộc chiến "cơm áo" giữa các tiểu bang

Mai Phương

Suy thoái kinh tế đã dẫn tới một cuộc chiến quyết liệt nhằm giành giật vốn đầu tư giữa 50 bang của nước Mỹ

Quảng cáo của bang Nevada: “Nếu bạn cứ tiếp tục làm ăn ở California thì hãy nói lời vĩnh biệt với các tài sản của mình đi” - Ảnh: BBC.
Quảng cáo của bang Nevada: “Nếu bạn cứ tiếp tục làm ăn ở California thì hãy nói lời vĩnh biệt với các tài sản của mình đi” - Ảnh: BBC.
Suy thoái kinh tế đã dẫn tới một cuộc chiến quyết liệt nhằm giành giật vốn đầu tư giữa 50 bang của nước Mỹ. Chính quyền các bang này đang ra sức vận dụng mọi chiến lược nhằm thu hút doanh nghiệp từ bỏ các bang khác để tới bang mình làm ăn, cho dù đó là doanh nghiệp nhỏ mới thành lập hay những công ty lớn và lâu đời.

Ở Mỹ, các bang vốn có thể áp dụng các chính sách thuế khác nhau, nhưng suy thoái đã thúc đẩy sự cạnh tranh về môi trường kinh doanh lên mức độ khốc liệt hơn.

“Hòn đá ném đi, hòn chì ném lại”

Mới đây nhất, bang Nevada đã quyết định chi 1 triệu USD cho một chiến dịch quảng cáo kéo dài 1 năm nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Điều đáng nói là trong chiến dịch này, Nevada đã “bới móc” khoản thâm hụt ngân sách 26 tỷ USD của “người anh em” California và nêu cao khẩu hiệu: “Nếu bạn cứ tiếp tục làm ăn ở California thì hãy nói lời vĩnh biệt với các tài sản của mình đi”. Thậm chí, quảng cáo của Nevada còn ví các nhà chức trách của bang California với… loài khỉ và ví ngân sách của bang này với… những chú lợn cất cánh bay.

“Chiến dịch của chúng tôi đã thu được thành công lớn. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi”, ông Somer Hollingsworth, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Nevada, cho biết.

Tất nhiên, California không chịu ngồi yên trước những phát ngôn của Nevada, và một cuộc chiến nảy lửa đã nổ ra giữa hai bang.

Đòn phản công của California là một chiến dịch quảng cáo 6 tháng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, với khẩu hiệu: “Điều gì xảy ra ở Vegas sẽ chỉ ở lại Vegas, nhưng điều gì xảy ra ở California sẽ khiến cả thế giới chuyển động”. (Vegas ở đây chính là Las Vegas - thành phố lớn nhất của Nevada).

Trong quảng cáo này, California phô trương những thương hiệu lừng danh của mình như Gap, Apple, Disney, Levi’s, Mattel… và chỉ ra rằng California là “ngôi nhà” của 51 trong số 500 công ty lớn nhất nước Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Fortune, còn Nevada chỉ có 2 công ty nằm trong danh sách này.

Ông Jose Solorio, một quan chức của bang California, cho biết, bang này cảm thấy bị xúc phạm bởi “ngôn từ gay gắt” trong quảng cáo của bang Nevada. “Nevada đã đi quá xa. Ai mà muốn đến đó làm ăn chứ? Tỷ lệ thất nghiệp ở đó rất cao, ngành xây dựng suy sụp và chẳng có cơ hội nào như ở California”, ông Solorio nói.

Nhà chức trách này cho biết, bang của ông còn đã thiết lập một trang web mang tên “California là vàng” (để “chọi” lại danh hiệu Silver State, tức Bang Bạc, của Nevada) và tổ chức một nhóm vận động trên mạng xã hội Facebook.

Về phần mình, ông Hollingsworth, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Nevada, không hề tỏ thái độ hối hận về quảng cáo của bang mình. “Chúng tôi luôn hết lòng ủng hộ các doanh nghiệp, còn California thì không. Đó là lý do tại sao mọi người đang đua nhau rời California”, ông nói.

“Tôi được thì anh mất"

Giới quan sát nhận định, phong trào quảng cáo hút đầu tư trên của các bang ở Mỹ cho thấy sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược của các bang. Trước đây, chính quyền các tiểu bang chỉ chờ doanh nghiệp từ bang khác để ý tới mức thuế suất thấp, giá cho thuê văn phòng rẻ, hay các quy định bớt ngặt nghèo hơn ở bang mình. Tới nay, họ đã không còn ngồi chờ như vậy mà chủ động tung ra những chiến dịch quảng cáo để giành giật vốn đầu tư.

“Đây là một chiến lược rất đơn giản: “Tôi được thì anh mất”, Giáo sư Philip Kotler thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, nhận định. Cuộc chiến này không chỉ dừng lại giữa hai bang California và Nevada.

Tại bang New Hampshire, các nhà chức trách đi tới tận khu vực biên giới bang để tìm cách lôi kéo các ông chủ doanh nghiệp từ bang láng giềng Massachusetts bằng sáng kiến mang tên “Lời mời rộng mở của New Hampshire”.

Theo sáng kiến này, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ được New Hampshire dành cho chế độ đối xử dạng VIP gồm ăn ở miễn phí tại các khách sạn hạng sang, được sử dụng xe limousine có tài xế, và nghe những lời thuyết phục ngọt ngào về việc tại sao họ nên chuyển công ty khỏi Massachusetts.

“Chúng tôi đã thu hút được nhiều vốn đầu tư từ Massachusetts. Các bang láng giềng của chúng tôi là Vermont, Maine, Massachusetts và Rhode Island là những bang có thuế suất rất cao, trong khi thuế ở bang chúng tôi thấp, môi trường kinh doanh lại rất thân thiện. Đó là những điểm tạo nên thương hiệu của New Hampshire”, ông Michael Bergeron, Giám đốc Phát triển kinh doanh của chính quyền New Hampshire, cho hay.

Các quan chức phụ trách phát triển của bang Indiana cũng đang thực hiện những “chuyến công du” tương tự để hút doanh nghiệp từ các bang láng giềng Illinois, Ohio và Michigan. Gần đây, bang này còn đặt bảng quảng cáo tại biên giới với các bang trên, nêu rõ lời mời: “Hãy đến với Indiana để hưởng mức thuế suất, chi phí kinh doanh và sinh hoạt thấp”.

“Một phần ba số việc làm mới ở bang chúng tôi trong những tháng gần đây là kết quả của hoạt động tập trung hóa kinh doanh của các doanh nghiệp từ các bang khác”, ông Mitch Roob, Bộ trưởng Bộ Thương mại bang Indiana, cho hay.

Các quan chức của Indiana thậm chí còn có những chuyến đi thu hút đầu tư xa hơn tới các Dallas, New York và Atlanta. “Tôi không cho rằng đây là một chiến thuật “bẩn”. Kinh doanh là thế. Không một bang nào được trao cho độc quyền hưởng đầu tư. Chúng tôi cần liên tục cải thiện chiến lược thu hút đầu tư của mình để hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp hơn”, ông Roob tuyên bố thẳng thừng.

Nguy cơ phản tác dụng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các chiến dịch quảng cáo mới và quyết liệt của các bang trên có thể là một con dao hai lưỡi.

Ông Drew Coburn, Giám đốc chiến lược tại công ty tư vấn thương hiệu Cubism ở New York cho rằng: “Nếu xét từ quan điểm truyền thông, các chiến dịch quảng cáo như vậy là không khôn ngoan. Các bang áp dụng chiến lược này đang tập trung sức lực của mình vào những điều tiêu cực, trong khi họ nên tập trung vào quảng bá những điểm tích cực trong thương hiệu của mình. Họ chỉ đang chứng minh cho mọi người thấy là họ sẵn sàng “chơi bẩn”, mà như thế họ sẽ bị xa lánh thêm”.

Mặc dù vậy, ít nhất cũng có một bang không áp dụng kiểu quảng cáo trên để hút đầu tư. Đó là bang New Jersey.

Thường bị xem là “anh láng giềng nghèo” của bang New York, New Jersey đã biết biến yếu điểm này thành ưu điểm khi nhấn mạnh về mức thuế thấp và giá thuê văn phòng rẻ của mình để khuyến khích các công ty từ New York tới làm ăn.

“Chúng tôi chẳng chê bai ai cả mà chỉ kể những gì có thật ở bang chúng tôi cho mọi người ở các bang xung quanh như New York và Philadelphia nghe”, ông Jerold Zaro, người đứng đầu Văn phòng Tăng trưởng kinh tế của New Jersey, khẳng định.

(Theo BBC)