Mỹ chính thức dỡ lệnh trừng phạt ZTE
Chính phủ Mỹ gỡ bỏ rào cản cuối cùng, cho phép ZTE nối lại hoạt động bình thường
Bộ Thương mại Mỹ ngày 13/7 chính thức dỡ lệnh cấm các công ty nước này bán sản phẩm cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE, theo đó gỡ bỏ rào cản cuối cùng để ZTE nối lại hoạt động bình thường.
Theo tin từ Bloomberg, lệnh trừng phạt đối với ZTE được dỡ sau khi hãng nộp xong đợt cuối khoản phạt gần 1,4 tỷ USD theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Trong đợt nộp phạt cuối này, ZTE chuyển số tiền giao kèo 400 triệu USD vào một ngân hàng Mỹ nhằm đề phòng trường hợp công ty có sự vi phạm trong tương lai.
Trước đó, ZTE đã nộp 892 triệu USD sau khi thừa nhận vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên.
Dỡ lệnh trừng phạt đối với ZTE là một yêu cầu chủ chốt của phía Trung Quốc đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã rơi vào bế tắc kể từ lần đàm phán gần đây nhất vào tháng 6, nhưng cả hai bên đều phát tín hiệu sẵn sàng nối lại đàm phán.
Hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Donald Trump ban lệnh cấm có thời hạn 7 năm, không cho phép các công ty Mỹ bán hàng cho ZTE. Lệnh cấm này khiến ZTE gần như phải ngừng hoạt động.
Vào tháng 5, ông Trump tuyên bố sẽ giúp ZTE theo đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuối tháng 5, Mỹ nói sẽ dỡ trừng phạt nếu ZTE chấp nhận nộp phạt 1,4 tỷ USD, thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo, và thực hiện các biện pháp "đảm bảo an ninh cấp độ cao".
Tháng trước, ZTE đã sa thải toàn bộ ban lãnh đạo cũ và bổ nhiệm bộ máy lãnh đạo mới. Công ty bị cho là thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hôm thứ Sáu, ZTE cho biết công ty sẽ lỗ tới 9 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,3 tỷ USD, trong nửa đầu năm nay do hoạt động bị tê liệt trong một thời gian vì lệnh trừng phạt. Cùng kỳ năm ngoái, ZTE lãi 2,3 tỷ Nhân dân tệ.
Dù Chính phủ Mỹ đã dỡ trừng phạt ZTE, một nhóm nghị sỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của nước này vẫn lo ngại rằng ZTE là một nguy cơ an ninh quốc gia. Nhóm nghị sỹ này đang thúc đẩy một dự luật nhằm thiết lập lại lệnh trừng phạt, thậm chí khắc nghiệt hơn, đối với công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì Trung Quốc.