08:12 16/01/2013

Mỹ có nên bán vàng để trả bớt nợ?

An Huy

Việc Mỹ bán tháo một tài sản như vàng có thể sẽ gây phương hại tới uy tín quốc gia và mang tới những ảnh hưởng toàn cầu

Việc bán hết kho vàng Fort Knox sẽ thu về số tiền trên 400 tỷ USD, nhưng
 số tiền này chỉ đủ chi trả cho một phần nhỏ trong các khoản chi tiêu 
khổng lồ của Chính phủ Mỹ - Ảnh: Thinkstock.<br>
Việc bán hết kho vàng Fort Knox sẽ thu về số tiền trên 400 tỷ USD, nhưng số tiền này chỉ đủ chi trả cho một phần nhỏ trong các khoản chi tiêu khổng lồ của Chính phủ Mỹ - Ảnh: Thinkstock.<br>
Ý tưởng đúc một đồng xu 1 nghìn tỷ USD bằng bạch kim để nước Mỹ trả bớt nợ, theo đó tránh phải nâng trần nợ quốc gia, đã chính thức bị bác bỏ. Giờ là lúc nhiều người nghĩ tới giải pháp Washington bán một phần dự trữ vàng khổng lồ của mình để giảm bớt nợ nần.

Theo trang CNNMoney, Bộ Tài chính Mỹ hiện nắm giữ 261,5 triệu ounce vàng tại kho vàng Fort Knox ở Kentucky. Với giá vàng ở mức 1.680 USD/oz như hiện nay, thì kho vàng có trị giá lên tới gần 440 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi có người đề xuất ý tưởng bán vàng trả nợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Tim Geithner đã gạt phăng suy nghĩ này. Ông Geithner cho rằng, việc nước Mỹ bán tống bán tháo một tài sản như vàng có thể sẽ gây phương hại tới uy tín quốc gia và mang tới những ảnh hưởng toàn cầu.

“Bán vàng dự trữ quốc gia để giải quyết các nghĩa vụ nợ nần sẽ làm suy giảm niềm tin vào nước Mỹ cả ở trong và ngoài nước, đồng thời sẽ gây bất ổn nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính của thế giới”, ông Geithner viết trong bức thư gửi lên các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ vào tháng trước.

Trong một cuộc họp báo tổ chức vào hôm thứ Hai vừa qua, Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng, không có một “chiêu thức thần kỳ” hay “lối thoát dễ dàng” nào cho thách thức nợ nần mà nước Mỹ đang phải đối mặt.

Những phát biểu này chắc chắn có tác dụng “câu giờ” cho Washington khi mà các nhà làm luật thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đến nay vẫn chưa thống nhất được bất kỳ điều gì. Nếu không nâng được trần nợ công lên từ mức 16,4 nghìn tỷ USD hiện nay, nước Mỹ có thể sẽ lâm cảnh vỡ nợ vào giữa tháng 2, đầu tháng 3 tới. Như vậy, không còn nhiều thời gian để các chính trị gia Mỹ đàm phán về các điều khoản để nâng trần nợ.

Nếu nước Mỹ bán vàng, thì đây sẽ là một nguồn thu bổ sung mà không cần tới việc vay nợ, theo đó giảm bớt áp lực buộc Quốc hội Mỹ phải đạt sự đồng thuận trong thời gian từ nay tới tháng 3. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cách làm này, nếu có thực hiện, sẽ không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do.

Thứ nhất, việc bán hết kho vàng Fort Knox sẽ thu về số tiền trên 400 tỷ USD, nhưng số tiền này chỉ đủ chi trả cho một phần nhỏ trong các khoản chi tiêu khổng lồ của Chính phủ Mỹ. Washington hiện vay mượn với tốc độ khoảng 100 tỷ USD mỗi tháng, đồng nghĩa với việc bán hết kho vàng chỉ đủ để trang trải các nghĩa vụ nợ của Mỹ trong vòng chừng 4 tháng.

“Cùng lắm thì đó cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề trong dài hạn thì việc bán vàng không phải là giải pháp”, ông Chris Blasi, Chủ tịch công ty kim loại quý Neptune Global Holdings ở Wilmington, nhận xét.

Một vấn đề nữa là giá vàng có thể lao dốc chóng mặt nếu Bộ Tài chính Mỹ bán vàng ra thị trường. Theo đó, số tiền mà Chính phủ Mỹ thu về từ việc bán vàng sẽ giảm mạnh theo.

“Khi Mỹ bán vàng ra, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng mạnh, đẩy giá lao dốc”, ông Blasi nói, đồng thời dự báo, trong tình huống như vậy, giá vàng có thể giảm ngay lập tức khoảng 12%.

Một vấn đề khác lớn hơn là hành động bán vàng sẽ gửi đi một thông điệp tới thị trường tài chính toàn cầu rằng nước Mỹ đang trở nên tuyệt vọng.

“Niềm tin sẽ sụt giảm nghiêm trọng và tỷ giá đồng USD cũng sẽ rớt thảm theo. Nếu tính tới giải pháp bán vàng, thì tất cả sẽ chấm hết như vậy”, ông Blasi cảnh báo.

Tuy nhiên, những cảnh báo như ông Blasi đưa ra không hề khiến nhiều người thôi cho rằng, bán vàng là một giải pháp khả thi. Trên thực tế, ý tưởng này đã từng được đưa ra cho vấn đề nợ nần của Mỹ, gần đây nhất là vào năm ngoái sau khi nước Mỹ đã thoát khỏi cuộc đàm phán trần nợ đầy cam go trong mùa hè năm 2011.

Cách đây hơn 1 thập kỷ, nước Anh đã bán vàng để trả nợ. Thủ tướng Anh khi đó đã bán gần 2/3 dự trữ vàng của nước nay, tương đương khoảng gần 13 triệu ounce vàng trong thời gian từ 1999-2002.

Tuy nhiên, nước Anh đã gặp sai lầm về thời điểm bán vàng khi đợt bán vàng diễn ra ngay trước một trong những thời kỳ tăng giá dài nhất trong lịch sử của vàng. Nước Anh đã bán vàng ở những mức giá thấp gần kỷ lục, nếu tính cả yếu tố lạm phát thì chỉ trung bình ở mức 275 USD/oz.

Tổng số tiền mà London thu được từ đợt bán vàng đó chỉ khoảng 3,5 tỷ USD. Nếu bán với mức giá hiện nay, Chính phủ Anh sẽ thu được số tiền lớn gấp khoảng 6 lần.

“Khi nước Anh bán vàng, đó là một động thái ngớ ngẩn vì họ bán ở mức giá đáy. Nhưng nếu nước Mỹ bán vàng, thì đó thậm chí còn là một câu chuyện tệ hơn, bởi việc đó đồng nghĩa với nước Mỹ thú nhận với thế giới rằng, chúng ta sẵn sàng bán những gì mình có”, ông Blasi phát biểu.