09:49 16/02/2009

Thứ Sáu ngày 13: Mỹ có 4 ngân hàng “sập tiệm”

Kiều Oanh

Thứ Sáu ngày 13/2 vừa qua có thể xem là một “ngày đen tối” của ngành ngân hàng Mỹ, khi có tới 4 ngân hàng bị giải thể

Vụ đóng cửa ngân hàng lớn nhất lịch sử Mỹ tính tới thời điểm này hiện là vụ đổ vỡ của ngân hàng Washington Mutual với tài sản 307 tỷ USD và 188 tỷ USD tiền gửi vào tháng 9 năm ngoái - Ảnh: Reuters.
Vụ đóng cửa ngân hàng lớn nhất lịch sử Mỹ tính tới thời điểm này hiện là vụ đổ vỡ của ngân hàng Washington Mutual với tài sản 307 tỷ USD và 188 tỷ USD tiền gửi vào tháng 9 năm ngoái - Ảnh: Reuters.
Thứ Sáu ngày 13/2 vừa qua có thể xem là một “ngày đen tối” của ngành ngân hàng Mỹ, khi có tới 4 ngân hàng bị các nhà chức trách cho giải thể.

Cũng là một sự trùng hợp “đáng sợ”, khi tính tới ngày này, số ngân hàng Mỹ đổ vỡ từ đầu năm là 13.

Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho hay, trong ngày 13/2, cơ quan này đã tiến hành các thủ tục “xóa sổ” 4 ngân hàng thuộc các bang Florida, Illinois, Nebraska và Oregon.

Ngân hàng Riverside Bank có trụ sở ở Florida có tài sản 539 triệu USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 424 triệu USD.

Các tài khoản tiền gửi của Riverside sẽ được chuyển giao cho ngân hàng TIB Bank có trụ sở ở cùng bang. Toàn bộ 9 chi nhánh của Riverside sẽ mở cửa trở lại vào thứ Ba tuần tới, sau kỳ nghỉ lễ Ngày Tổng thống (President’s Day), với tư cách là chi nhánh của TIB Bank.

Theo FDIC, vụ đóng cửa ngân hàng này tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi khoảng 201,5 triệu USD.

Ngân hàng Corn Belt Bank and Trust Co of Pittsfield ở bang Illinois có tài sản 271,8 triệu USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 234,4 triệu USD.

Ngân hàng Carlinville National Bank ở cùng bang sẽ là ngân hàng tiếp quản toàn bộ tài khoản tiền gửi trong Corn Belt và hai văn phòng của ngân hàng bị giải thể này sẽ trở thành chi nhánh của ngân hàng tiếp quản khi mở cửa trở lại vào ngày thứ Ba tuần tới.

Ước tính, vụ giải thể này làm quỹ của FDIC vơi đi 100 triệu USD.

Ngân hàng Sherman County Bank of Loup City ở bang Nebraska có tài sản 129,8 triệu USD và số tiền gửi của khách là 85,1 triệu USD.

Tiếp quản lượng tiền gửi và hoạt động của Sherman sẽ là ngân hàng Heritage Bank of Wood River ở cùng bang. Các chi nhánh của ngân hàng Sherman sẽ mở cửa trở lại vào thứ Ba tuần tới với tư cách là chi nhánh của Heritage.

Vụ giải thể này có thể khiến quỹ của FDIC hao thêm khoảng 28 triệu USD.

Ngân hàng còn lại bị “sập tiệm” trong đợt này là ngân hàng có tên Pinnacle Bank ở bang Oregon. Ngân hàng có tài sản 73 triệu USD và lượng tiền gửi của khách là 64 triệu USD này sẽ được ngân hàng Washington Trust Bank ở bang Washington tiếp quản.

Chi nhánh duy nhất của Pinnacle cũng sẽ mở cửa trở lại vào ngày thứ Ba tuần tới. Để đóng cửa Pinnacle, FDIC phải chi khoảng 12,1 triệu USD.

Gộp chung, 4 vụ đóng cửa ngân hàng lần này tiêu tốn của quỹ FDIC gần 341,5 triệu USD.

Tốc độ đóng cửa các ngân hàng ở Mỹ xem ra đang tăng mạnh, cho thấy mức độ nghiêm trọng gia tăng của cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Riêng trong tháng 1 vừa qua, có 6 ngân hàng Mỹ bị giải thể, còn trong hai tuần đầu của tháng 2, đã có thêm 7 ngân hàng trở thành nạn nhân của khủng hoảng. Năm ngoái, có 25 ngân hàng Mỹ bị “xóa sổ”, so với mức 3 ngân hàng trong năm 2007.

Theo FDIC, tính tới cuối quý 3 năm ngoái, trong tổng số khoảng 8.500 ngân hàng và tổ chức tiết kiệm được cơ quan này bảo hiểm, có 171 ngân hàng bị xem là “có vấn đề”.

Để đối phó với thách thức lớn này, Chính quyền của Tổng thống Obama đang nỗ lực tung ra một kế hoạch kích thích kinh tế 787 tỷ USD, một kế hoạch giải cứu tài chính mới trị giá có thể lên tới 2.000 tỷ USD, và một kế hoạch ngăn chặn làn sóng tịch biên chưa được công bố có thể có trị giá 50 tỷ USD.

Vụ đóng cửa ngân hàng lớn nhất lịch sử Mỹ tính tới thời điểm này hiện là vụ đổ vỡ của ngân hàng Washington Mutual với tài sản 307 tỷ USD và 188 tỷ USD tiền gửi vào tháng 9 năm ngoái. Hiện năm có số ngân hàng Mỹ bị đóng cửa nhiều kỷ lục là năm 1993, với 42 ngân hàng ở nước này “trở thành dĩ vãng”.

(Theo Reuters, Bloomberg)