17:41 31/01/2023

Mỹ dừng cấp phép bán công nghệ cho Huawei

Hoài Thu

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Washington đang hướng tới áp đặt một lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Huawei...

Động thái của Washington được đưa ra giữa lúc hoạt động của tập đoàn Huawei đang đi vào ổn định - Ảnh: Reuters
Động thái của Washington được đưa ra giữa lúc hoạt động của tập đoàn Huawei đang đi vào ổn định - Ảnh: Reuters

Theo tin từ Financial Times, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ngừng cấp phép cho các công ty Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Washington đang hướng tới áp đặt một lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động bán công nghệ Mỹ cho tập đoàn Trung Quốc.

Nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết Bộ Thương mại nước này đã thông báo cho một số công ty về việc Bộ sẽ không cấp phép cho bất kỳ tổ chức nào để xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei nữa.

Động thái này cũng đánh dấu hành động quyết liệt mới nhất trong chiến dịch của Chính phủ Mỹ nhằm vào tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Thẩm Quyến. Giới chức an ninh Mỹ cho rằng Huawei có vai trò hậu thuẫn Chính phủ Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp. Trong khi đó, Huawei phủ nhận cáo buộc này.

Trước đó, vào năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về việc xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Huawei với việc đưa tập đoàn này vào một danh sách đen, được gọi là “danh sách thực thể”. Động thái này nằm một trong chiến lược nhằm tăng cường kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc mà Washington tin là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ vẫn cấp phép xuất khẩu cho một số công ty Mỹ, trong đó có Qualcomm và Intel, để cung cấp cho Huawei những công nghệ không liên quan đến mạng viễn thông 5G tốc độ cao.

Trong 2 năm qua, Tổng thống Biden thậm chí có lập trường còn cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ hiện đại. Tháng 10 năm ngoái, ông áp đặt một loạt hạn chế trên diện rộng với việc cung cấp con chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc.

Đánh giá về bước đi mới nhất của chính quyền Mỹ, ông Martijn Rasser, một chuyên gia về công nghệ tại tổ chức nghiên cứu CNAS, cho rằng đây là “một động thái thực sự đáng kể”.

“Các động thái của Bộ Thương mại một phần xuất phát từ thực tế rằng Huawei - với tư cách là một công ty - hiện đã rất khác so với 4 năm trước đây, khi công ty này tập trung vào phát triển công nghệ 5G”, ông Rasser, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), nói, đề cập tới việc Huawei đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực như cáp quang dưới biển, điện toán đám mây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Bước đi của Washington được đưa ra giữa lúc hoạt động của tập đoàn Huawei đang đi vào ổn định. Tháng 12 năm ngoái, ông Eric Xu, chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết năm 2023 sẽ là năm đầu tiên tập đoàn trở lại “hoạt động kinh doanh như bình thường”. Doanh thu của tập đoàn này năm 2022 không đổi, đạt 636,9 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 94 tỷ USD), sau khi sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2021.

Sau khi đối mặt loạt cấm vận của Mỹ, công ty này tiếp tục duy trì ổn định bằng cách chuyển hướng sang làm ăn với các doanh nghiệp và chính phủ, đặc biệt là ở Trung Quốc đồng thời phát triển mảng điện toán đám mây. Việc Mỹ vẫn cho phép xuất khẩu một số sản phẩm và dịch vụ cho Huawei cũng giúp tập đoàn này không sụp đổ hoàn toàn. Huawei được cho là đang hỗ trợ một số dự án ở Trung Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu.

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các động thái mới nhất của Mỹ đối với Huawei.

“Việc dừng vô thời hạn việc cấp phép xuất khẩu cho Huawei tất nhiên sẽ là thảm họa đối với tập đoàn này, nhưng chỉ việc này khác đi một chút thì kết quả cũng sẽ rất khác”, một chuyên gia pháp lý liên quan tới việc xin cấp phép xuất khẩu tại Mỹ nhận xét.

Trong khi đó, giám đốc điều hành tại một công ty thiết kế chip từng làm ăn với Huawei cho rằng sẽ có nhiều thay đổi khi các giấy phép xuất khẩu cho Huawei hết hạn.

“Vì không có thông tin chi tiết nào về loại giấy phép nào được cấp và khi nào được công khai, nên việc này rất khó đoán”, người này nói.

Ông Paul Triolo, một chuyên gia công nghệ Trung Quốc làm việc tại công ty tư vấn Albright Stonebridge, cho biết Bộ Thương mại Mỹ cũng có thể sẽ thu hồi tất cả các giấy phép xuất khẩu cho Huawei đã cấp trước đây.

“Điều này sẽ tác động lớn đến doanh thu của các nhà cung cấp chip của Mỹ”, ông nói.

Bên cạnh việc áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao cho Trung Quốc, Mỹ cũng đang đẩy mạnh kêu gọi các nước đồng minh có động thái tương tự nhằm làm chậm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến như công nghệ chip dùng trong phát triển trí tuệ nhân tạo, mô hình hóa vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí siêu thanh.

Tuần trước, Washington đã đạt được một thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan để hạn chế doanh nghiệp của các nước này xuát khẩu thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, Mỹ cũng áp đặt các hạn chế đơn phương theo đó cấm doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc.

Tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang chuẩn bị có chuyến công du Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc của một thành viên trong nội các của ông Biden. Động thái mới nhất được cho là sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.