10:30 15/12/2022

Mỹ rục rịch đưa công ty chip Trung Quốc vào “danh sách đen”

Đức Anh

Động thái này diễn ra ở thời điểm hai tháng sau khi Mỹ công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt nhằm khiến Trung Quốc khó mua và sản xuất con chip tiên tiến...

YMTC được cho là đã vi phạm quy định hạn chế xuất khẩu của Mỹ khi cung cấp chip nhớ Nand dùng trong điện thoại thông minh cho công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc - Ảnh: FT
YMTC được cho là đã vi phạm quy định hạn chế xuất khẩu của Mỹ khi cung cấp chip nhớ Nand dùng trong điện thoại thông minh cho công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc - Ảnh: FT

Theo nguồn tin của Financial Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị đưa công ty chip Yangtze Memory Technologies (YMTC) của Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại. Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc được cho là đe dọa an ninh nước Mỹ.

Nguồn tin cho hay, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa YMTC và một số công ty Trung Quốc khác vào danh sách các thực thể bị hạn chế thương mại sớm nhất trong tuần này. Theo đó, doanh nghiệp Mỹ bị cấm làm ăn với các công ty này, trừ khi có cấp phép đặc biệt - một giấy phép được đánh giá là rất khó được cấp.

Động thái này được đưa hai tháng sau khi Mỹ hồi đầu tháng 10 công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt nhằm khiến Trung Quốc khó mua và sản xuất con chip tiên tiến.

Trước đó, tờ Financial Times cũng đưa tin cho biết YMTC dường như đã vi phạm quy định hạn chế xuất khẩu của Mỹ khi cung cấp chip nhớ Nand dùng trong điện thoại thông minh cho công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Suốt nhiều tháng qua, các nghị sỹ Mỹ đã gây sức ép với chính quyền Biden để đưa công ty này vào “danh sách đen” thương mại. Các nhà làm luật cũng cảnh báo hãng công nghệ Mỹ Apple rằng công ty này có thể đối mặt sự giám sát nghiêm nghặt nếu xúc tiến kế hoạch mua con chip của YMTC.

Khi công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu hôm 7/10, Mỹ cũng đưa hơn 30 công ty Trung Quốc, trong đó có YMTC, vào “danh sách thực thể chưa xác minh”. Danh sách này gồm những công ty mà Washington chưa thể tiến hành kiểm tra người dùng đầu cuối để đảm bảo rằng công nghệ Mỹ không bị dùng trái phép. Khi đó, Mỹ cũng đặt ra thời hạn 60 ngày cho các công ty này để hợp tác với các cuộc điều tra của Washington, nếu không sẽ bị đưa vào “danh sách đen” thương mại.

Nghị sĩ đảng Cộng Hòa Michael McCaul, người dự kiến ​​trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện vào tháng 1 tới, cho biết ông đã thúc ép Bộ Thương mại Mỹ suốt một năm để đưa YMTC vào “danh sách đen” thương mại.

“Chắc chắn phải đưa YMTC vào danh sách này với những chính sách cấp phép nghiêm ngặt nhất có thể”, ông nói. “YMTC là một trong nhiều công ty đang giúp hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, và Cục Công nghệ và An ninh của Bộ Thương mại cần hành động quyết liệt hơn để đưa thêm nhiều công ty vào danh sách, đồng thời kêu gọi các đối tác và đồng minh của Mỹ cùng tham gia”.

Ngoài việc cho rằng YMTC vi phạm luật Mỹ, chính quyền Biden cũng lo ngại rằng công ty này bán phá giá chip nhớ, gây áp lực với các công ty Mỹ như Micron cũng như công ty đối thủ tại các nước đồng minh của Mỹ.

Hồi tháng 10, Financial Times cho biết YMTC đã dành nhiều tháng tích trữ thiết bị sản xuất chip nước ngoài do lo ngại sẽ bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách cấm vận.

Trước những động thái từ phía Mỹ, Trung Quốc tuần này đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các biện pháp hạn chế xuất khẩu con chip của Mỹ.

Động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào YMTC đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. Washington đang cố gắng khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phát triển các công nghệ ứng dụng trong quân sự như trí tuệ nhân tạo, mô hình hóa vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí siêu thanh. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh tăng cường năng lực công nghệ của mình trước những áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và các đồng minh của nước này.

Hiện tại, Mỹ đang đàm phán với Nhật Bản và Hà Lan về một thỏa thuận ba bên nhằm cấm các công ty thiết bị sản xuất chip của Nhật và Hà Lan bán hàng cho Trung Quốc. Mỹ kỳ vọng rằng thỏa thuận này sẽ tăng cường hiệu quả cho các biện pháp hạn chế xuất khẩu hôm 7/10.

Động thái nhằm vào YMTC của Mỹ và các công ty Trung Quốc cũng diễn ra sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia tháng trước. Hai cường quốc này đang cố gắng tìm cách ngăn căng thẳng leo thang, tuy nhiên, chính quyền Biden khẳng định rằng sẽ không nhân nhượng trong những lĩnh vực có liên quan tới an ninh quốc gia.