Mỹ lần đầu vượt Trung Quốc thành "miền đất hứa" mới cho giới đào Bitcoin
Mỹ trở thành điểm đến số một toàn cầu của giới đào Bitcoin sau khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát tiền ảo và "khai tử" lĩnh vực khai thác tiền ảo tại nước này...
Theo dữ liệu công bố ngày 13/10 của Đại học Cambridge, Mỹ đã lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành điểm đến số 1 toàn cầu của giới đào Bitcoin.
Dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu công cụ tài chính thay thế của Đại học Cambridge cho thấy, tính tới tháng 7/2021, 35,4 % công suất băm (hashrate) - tổng năng lực điện toán của công nghiệp đào Bitcoin trên toàn cầu - nằm ở Mỹ. Con số này tăng 428% so với thời điểm tháng 9/2020.
Theo CNBC, trước đó, Trung Quốc vốn là trung tâm của ngành công nghiệp đào Bitcoin toàn cầu, chiếm từ 65-75% tổng hoạt động đảo Bitcoin của thế giới. Tuy nhiên, chiến dịch siết chặt kiểm soát tiền ảo của Bắc Kinh từ năm ngoái về cơ bản đã “khai tử” lĩnh vực này ở Trung Quốc. Ngay sau đó, giới đào Bitcoin bắt đầu tháo chạy khỏi Trung Quốc và hướng đến những nơi có giá điện rẻ nhất hành tinh và nhiều người đã chọn Mỹ.
Dữ liệu của Đại học cho thấy công suất băm bình quân tháng của Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng 0% trong tổng số toàn cầu – hoàn toàn ngược lại so với thời điểm tháng 9/2020, khi con số này là khoảng 67%.
Mỹ trở thành “miền đất hứa” mới với giới đào tiền ảo. Nhiều thợ đào đã tìm đến các bang như Texas – nơi có giá năng lượng thuộc hàng thấp nhất thế giới. Ngoài ra, Mỹ cũng là quốc gia sở hữu nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Nhiều thợ đào Bitcoin tại Mỹ cũng đã sử dụng năng lượng hạt nhân. Một số thậm chí chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng như khí tự nhiên bỏ đi tại một số mỏ dầu ở Texas. Việc này giúp giảm khí thải nhà kính và mang lại nguồn thu cho các nhà cung cấp khí gas và cả thợ đào tiền ảo.
Sự dịch chuyển của giới thợ đào Bitcoin sang các nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí nhà kính, đang bắt đầu giúp chấm dứt những chỉ trích rằng hoạt động đào tiền ảo gây hại cho môi trường.
Ngoài giá điện thấp, một số bang của Mỹ như Texas cũng có chính sách thân thiện với tiền ảo và sở hữu cơ sở hạ tầng đầy đủ cho hoạt động đào tiền ảo. Bang Texas cung cấp điện theo cơ chế thị trường, cho phép người sử dụng điện lựa chọn nhà cung cấp mình muốn. Và điều quan trọng là lãnh đạo bang này có quan điểm ủng hộ tiền ảo. Đây được xem là những điều kiện đáng mơ ước với giới đào tiền ảo – được chào đón nồng nhiệt cùng nguồn năng lượng giá rẻ.
“Nếu bạn đang muốn di dời những thợ đào trị giá hàng trăm triệu USD ra khỏi Trung Quốc, hẳn bạn sẽ muốn tìm một nơi có sự ổn định về chính trị và địa lý. Bạn cũng sẽ muốn đảm bảo rằng nơi đó bảo vệ quyền sở hữu tư nhân đối với các tài sản mà bạn đang di dời”, Darin Feinstein, đồng sáng lập Core Scientific, cho biết.
Trước khi các thợ đào từ Trung Quốc ồ ạt đổ sang Mỹ, các công ty tại Mỹ cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ để chờ "đón sóng". Khi giá Bitcoin lao dốc từ mức kỷ lục gần 20.000 USD vào cuối năm 2017 và thị trường tiền ảo rơi vào “ngủ đông”, nhu cầu với các trang trại Bitcoin lớn gần như bằng không. Lúc đó, các công ty vận hành hoạt động đào tiền ảo tại Mỹ nhìn thấy cơ hội xây dựng một hệ sinh thái khai thác tiền ảo với chi phí rẻ hơn so với trước đó.
“Các công ty đào tiền ảo lớn đã niêm yết cổ phiếu khi đó có thể huy động vốn để đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng”, Mike Colyer, CEO của Foundry – công ty đã giúp nhập khẩu các thiết bị đào Bitcoin trị giá hơn 300 triệu USD vào khu vực Bắc Mỹ.
Feinstein cho biết trong 18 tháng qua, Mỹ chứng kiến sự phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng khai thác tiền ảo.
“Chúng tôi chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng mỏ đào tiền ảo muốn di dời sang Bắc Mỹ, chủ yếu tới Mỹ”, ông Feinstein cho biết.
Theo Colyer, CEO của Core Scientific, phần lớn thiết bị đào tiền ảo được sản xuất trong tháng từ tháng 5-12/2020 được chuyển tới Mỹ và Canada.
Dữ liệu của Đại học Cambridge cho thấy, sau Mỹ, Kazakhstan là quốc gia đứng thứ hai toàn cầu về hoạt động đào tiền ảo khi chiếm thị phần 18,1%. Với nhiều mỏ than khổng lồ, quốc gia này có nguồn năng lượng điện đồi dào và giá rẻ.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Kazakhstan, nước láng giềng của Trung Quốc, chỉ là một điểm dừng chân tạm thời của các thợ đào Bitcoin trong hành trình dài hơi về phương Tây.
Alex Brammer, CEO của Luxor Mining, cho rằng các thợ đào Bitcoin lớn chỉ tạm thời chuyển hoạt động tới Kazakhstan cùng các thiết bị thế hệ cũ và họ sẽ triển khai thiết bị mới ở những khu vực có nguồn năng lượng tái tạo bền vững và hiệu quả hơn.