11:21 20/08/2021

Mỹ lo hiệu quả chống nhập viện, tử vong của vaccine Covid cũng giảm theo thời gian

Bình Minh

Giới chức Mỹ đang lo hiệu quả của vaccine trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid cũng giảm dần, dù chưa có cơ sở để chứng minh

Một người cao tuổi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 do Pfizer sản xuất tại nhà thuốc Skippack Pharmacy ở Schwenksville, Pennsylvania, Mỹ, hôm 14/8/2012 - Ảnh: Reuters.
Một người cao tuổi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 do Pfizer sản xuất tại nhà thuốc Skippack Pharmacy ở Schwenksville, Pennsylvania, Mỹ, hôm 14/8/2012 - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Mỹ đã quyết định tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho người dân nước này, vì lo ngại hiệu quả của vaccine trong việc chống lây nhiễm có thể giảm theo thời gian. Giờ đây, giới chức nước này còn lo hiệu quả của vaccine trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid cũng giảm dần, dù chưa có cơ sở để chứng minh.

Dựa trên dữ liệu cho thấy hiệu quả chống nhiễm bệnh thể nhẹ và vừa của vaccine Covid Pfizer và Moderna giảm dần sau 6 tháng tiêm đủ liều, chính quyền Tổng thống Joe Biden vào ngày 18/8 tuyên bố sẽ bắt đầu tiêm nhắc lại cho toàn thể dân Mỹ từ ngày 20/9. Việc tiêm tăng cường sẽ áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine Covid ít nhất 8 tháng trước.

“Dữ liệu gần đây cho thấy sự bảo vệ của vaccine khỏi nhiễm bệnh thể nhẹ và vừa giảm theo thời gian. Điều này có thể do mức miễn dịch giảm và do sức mạnh của biến chủng Delta”, ông Vivek Murthy, người đứng đầu Đoàn uỷ nhiệm dịch vụ y tế công cộng Mỹ (USPHS), phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 19/8.

“Chúng tôi lo ngại rằng xu hướng giảm hiệu quả vaccine mà chúng ta đang chứng kiến sẽ tiếp tục trong những tháng sắp tới. Việc đó có thể dẫn tới sự giảm hiệu quả của vaccine trong việc chống lại nguy cơ nhiễm bệnh thể nặng, nhập viện và tử vong do Covid”, ông Murthy nhấn mạnh.

Dữ liệu về lây nhiễm đột phá (mắc Covid dù đã tiêm đủ vaccine) ở Mỹ cho thấy người già là đối tượng dễ mắc thể nặng nhất.

Theo dữ liệu vào thời điểm ngày 9/8, trong tổng số 8.054 người phải nằm viện điều trị Covid ở Mỹ dù đã tiêm vaccine, có 74% là người trên 65 tuổi - theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Trong số những ca bệnh thuộc nhóm 74% đó, 20% tử vong.

Với dữ liệu hiện có về hiệu quả của vaccine, các nhà khoa học chưa kết luận được liệu người trẻ và khoẻ mạnh hơn có đối mặt rủi ro tương tự người già hay không.

“Chúng tôi chưa biết liệu xu hướng trên có dẫn tới suy giảm tác dụng quan trọng nhất của vaccine hiện nay, là chống lại nguy cơ nhập viện, tử vong hoặc nhiễm bệnh thể nặng, hay không.Về vấn đề này, kết luận chưa thể đưa ra”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jesse Goodman thuộc Đại học Georgetown ở Washington nhận định.

Một số quốc gia đã quyết định tiêm nhắc lại cho người già và người có hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/8 tuyên bố chưa nhận thấy sự cần thiết phải tiêm nhắc lại cho toàn bộ dân số.

Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi về chiến dịch tiêm nhắc lại của Mỹ trong khi có khoảng 30% người Mỹ thuộc diện tiêm vẫn chưa tiêm mũi đầu tiên, bất chấp số ca nhiễm mới và tử vong do Covid đang tăng mạnh ở nước này.

“Theo tôi, việc quan trọng hơn tiêm nhắc lại vào lúc này là làm thế nào để tiêm cho tất cả những người thuộc diện tiêm”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dan McQuillen ở Burlington, Massachusetts nhận định.

Ngoài ra, tất cả các chuyên gia được Reuters hỏi ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine Covid cho số lượng lớn người dân trên thế giới đến nay còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.

“Chúng ta có thể rơi vào tình trạng tự đuổi theo cái đuôi của mình, nếu như chỉ quan tâm đến việc tiêm nhắc lại ở Mỹ và châu Âu, trong khi những biến chủng nguy hiểm hơn có thể xuất hiện tại các nơi khác trên thế giới”, nhà dịch tễ học Isaac Weisfuse thuộc Đại học Cornell nhận định. “Trên thực tế, điều cần làm là tiêm vaccine cho cả thế giới để chống biến chủng mới”.