08:31 04/11/2024

Mỹ phạt GlobalFoundries vì vận chuyển chip cho Trung Quốc 

Hạ Chi

GlobalFoundries, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ ba thế giới có trụ sở tại New York, vì vận chuyển chip mà không có giấy phép cho một công ty chip Trung Quốc thuộc danh sách đen của Chính phủ Mỹ, đã bị phạt nửa triệu USD… 

GlobalFoundries đã gửi 74 lô hàng trị giá 17,1 triệu đô la Mỹ cho một công ty bán dẫn Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen. .
GlobalFoundries đã gửi 74 lô hàng trị giá 17,1 triệu đô la Mỹ cho một công ty bán dẫn Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen. .

Reuters đưa tin Mỹ đã công bố mức phạt 500.000 USD cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries sau khi vận chuyển tấm silicon, trị giá hơn 17 triệu USD, cho SJ Semiconductor (SJS) của Trung Quốc. SJS là công ty bị liệt kê trong “Danh sách thực thể” của Mỹ - bao gồm các công ty được coi là mối đe dọa an ninh. Do đó, Mỹ yêu cầu các công ty trước khi muốn xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến bán dẫn đến các công ty trong danh sách cần xin giấy phép đặc biệt. 

SJ Semiconductor được bổ sung vào danh sách cấm của Mỹ từ năm 2020 do kết nối với Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc – Mỹ từng cáo buộc có liên kết với quân đội Trung Quốc.

Từ tháng 2/2021 - tháng 10/2022, GlobalFoundries đã gửi 74 lô hàng tấm silicon - vật liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn đến SJS. Vi phạm này được cho là do lỗi dữ liệu không gắn cờ SJS trong quy trình sàng lọc của GlobalFoundries. Bất chấp vi phạm, GlobalFoundries đã tự nguyện tiết lộ các lô hàng và hợp tác đầy đủ với BIS, giúp mức phạt giảm đáng kể so với mức phạt thực tế

Hình phạt đánh dấu một trong số ít trường hợp một công ty bán dẫn nổi tiếng của Mỹ phải đối mặt với hậu quả tài chính theo các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. GlobalFoundries là đơn vị được hỗ trợ đáng kể từ Đạo luật CHIPS của Mỹ. Đầu năm nay, công ty đã nhận được khoản hỗ trợ 1,5 tỷ USD và 1,6 tỷ USD khoản vay để mở rộng hoạt động sản xuất tại New York nhằm tăng gấp ba lần sản lượng trong thập kỷ tới. 

Matthew Axelrod, một quan chức trong ngành của Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các công ty cần cảnh giác trong hoạt động bán dẫn, đặc biệt khi giao dịch với các bên bị hạn chế tại Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ đang thực hiện rất nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đồng thời lưu ý các nhà cầm quyền sẽ đối xử khoan dung hơn với các công ty chủ động tiết lộ các vấn đề tuân thủ và thực hiện hành động khắc phục.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ với Trung Quốc chủ yếu nhằm ngăn chặn những tiến bộ quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số công ty và đối tác của Mỹ lại bày tỏ quan ngại về tác động không mấy tích cực đến nền kinh tế chung vì chiến lược này của Mỹ.