08:13 03/05/2017

Mỹ-Trung đang bàn cách siết trừng phạt Triều Tiên

An Huy

Trong khi đó, cuối tuần vừa rồi, Donald Trump nói ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc về biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, bao gồm lệnh trừng phạt tăng cường - hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức ngoại giao cho hay.

“Hành động gây hấn chồng chất của Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân gần dây nhất của họ khiến chúng tôi phải xem xét một loạt biện pháp nhằm gây sức ép”, một phát ngôn viên của phái bộ thường trực Mỹ tại Liên hiệp quốc nói ngày 2/5.

“Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói hôm thứ Sáu tuần trước rằng giữ nguyên cách ứng phó hiện nay với Triều Tiên không phải là một giải pháp. Cùng với các đồng nghiệp tại Hội đồng Bảo an, chúng tôi đang xem xét các lựa chọn để đáp trả với loạt hành động gây hấn của Triều Tiên.

Hôm thứ Sáu, ông Tillerson kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động trước khi Triều Tiên có động thái gây hấn tiếp theo.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh có chấp nhận áp dụng biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên hay không. Liên hiệp quốc bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006. Kể từ đó, lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên thường được siết chặt hơn sau mỗi vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa của nước này.

Đến nay, Triều Tiên đã có 5 vụ thử hạt nhân và 2 lần phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Trong vòng một năm qua, Triều Tiên đã đẩy mạnh các vụ phóng thử tên lửa, với hàng chục loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung được phóng thử, và gần đây nhất là một vụ phóng tên lửa tầm trung vào hôm thứ Sáu tuần trước.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liên tục hối thúc Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, cảnh báo rằng mọi lựa chọn đều được đặt lên bàn cân, bao gồm cả lựa chọn quân sự, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất và đối tác thương mại chính của Triều Tiên.

Về phần mình, Trung Quốc vẫn nói rằng sự đe dọa quân sự sẽ không thể giúp giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này. Ngày 2/5, Bắc Kinh tiếp tục phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc và kêu gọi Mỹ dừng hệ thống này ngay lập tức.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vào cuối tuần vừa rồi, Donald Trump nói ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và cuộc gặp sẽ là một “vinh dự” đối với ông.

“Sẽ là phù hợp nếu tôi gặp ông ấy, chắc chắn là thế”, Tổng thống Mỹ nói. “Đó sẽ là vinh dự đối với tôi. Nếu hoàn cảnh phù hợp, tôi sẽ gặp ông ấy”.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Trump để ngỏ khả năng về một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên.

Đáp trả những tuyên bố này từ Mỹ, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 2/5 cảnh báo rằng “những hành động gây hấn quân sự” của Mỹ đang đẩy bán đảo Triều Tiên “gần tới chiến tranh hạt nhân”.

“Do hành động gây hấn quân sự của Mỹ ngày càng trắng trợn, tình hình bán đảo Triều Tiên vốn đã nhạy cảm đang bị đẩy tới gần chiến tranh hạt nhân”, một phát thanh viên truyền hình Triều Tiên nói trong chương trình tin tức.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cùng ngày nói rằng nước này đang “đợi đến thời khác biến đại lục Mỹ thành tro bụi”.

Cảnh báo này được đưa ra vài giờ sau khi Mỹ điều hai máy bay ném bom B-1B tập trận chung với quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên vào tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mất 3 tháng để thảo luận về tăng cường trừng phạt nước này. Lệnh trừng phạt bổ sung nhằm cắt giảm 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên.

Thông thường, Mỹ và Trung Quốc đàm phán với nhau về lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên trước khi các quốc gia còn lại trong Hội đồng Bảo an tham gia bàn bạc. Theo giới chức ngoại giao, cuộc đàm phán hiện nay mới chỉ diễn ra giữa hai nước.