19:09 09/11/2022

Mỹ và châu Âu tranh cãi chuyện “trục lợi” khủng hoảng khí đốt

Bình Minh

Chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu đã mở ra cơ hội kiếm “đậm” cho các công ty mua LNG từ Mỹ và bán sang châu Âu trong năm nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Mỹ cho rằng các công ty năng lượng ở châu Âu mới chính là những người hưởng lợi đích thực từ giao dịch khí đốt hoá lỏng (LNG) giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đây là sự phản bác của Washington nhằm vào những chỉ trích cho rằng các nhà sản xuất khí đốt ở Bắc Mỹ đang trục lợi từ việc châu Âu ra sức xoay sở nhằm thay thế nguồn cung khí đốt Nga.

Theo tờ Financial Times, chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu đã mở ra cơ hội kiếm “đậm” cho các công ty mua LNG từ Mỹ và bán sang châu Âu trong năm nay.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “tiêu chuẩn kép” - ám chỉ chênh lệch giá khí đốt - đang tạo ra “siêu lợi nhuận” không xứng đáng cho các nhà sản xuất năng lượng ở Mỹ và Na Uy, khi dòng chảy năng lượng từ các nhà cung cấp này tới châu Âu đã tăng mạnh kể từ khi nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine vào tháng 2.

Tuy nhiên, ông Brad Crabtree - Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ - nói rằng chính các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu mới đang hưởng lợi từ chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu, chứ không phải các nhà sản xuất khí đốt ở Mỹ.

“Câu chuyện đang diễn ra là các công ty nắm hợp đồng mua khí đốt dài hạn từ các nhà sản xuất LNG Mỹ  bỏ túi lợi nhuận khi bán khí đốt ở thị trường châu Âu”, ông Crabtree nói với Financial Times. “Chẳng có công ty LNG Mỹ nào hưởng lợi ở đó cả. Về cơ bản, những người bán khí đốt ở châu Âu đều là những công ty dầu khí và giao dịch năng lượng có trụ sở ở châu Âu”.

Các công ty năng lượng và giao dịch hàng hoá cơ bản lớn nhất châu Âu, gồm BP, Shell, Glencore và Vitol đều có hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất LNG Mỹ.

Tuần trước, BP báo cáo lợi nhuận quý 3 đạt 8,2 tỷ USD, trong đó nhấn mạnh lợi nhuận tăng khác thường ở mảng giao dịch khí đốt. Shell, nhà giao dịch LNG lớn nhất thế giới, đã báo lãi hơn 30 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tiến tới phá vỡ kỷ lục lợi nhuận cả năm 31 tỷ USD thiết lập vào năm 2008.

Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã “giảm nhiệt” trong những tuần gần đây, về mức khoảng 25 USD/BTU, sau khi đạt kỷ lục hơn 70 USD/BTU trong mùa hè vừa qua. Trong khi đó, giá khí đốt ở Mỹ kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine tới nay chỉ dao động trong khoảng 5-10 USD/BTU.

Việc châu Âu “săn lùng” LNG để thay thế nguồn cung khí đốt bị Nga cắt giảm đã khiến gây dảo lộn trên thị trường LNG toàn cầu. Mỹ và các nước xuất khẩu LNG lớn khác đã đẩy mạnh việc xuất khẩu sang châu Âu để có được mức giá tốt hơn. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một thoả thuận với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm tăng xuất khẩu LNG Mỹ sang châu Âu.

Cheniere Energy, công ty xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, nói rằng khoảng 70% xuất khẩu LNG của công ty từ các cơ sở ở Texas và Louisiana trong năm nay có đích đến là châu Âu, từ mức khoảng 30% trong năm ngoái.

Thứ trưởng Crabtree nói Mỹ “hoàn toàn cam kết” giúp châu Âu đáp ứng nhu cầu khí đốt “ở mức giá phù hợp với châu lục này”. “Bởi vậy, điều khiến chúng tôi rất lo ngại là những gì đang được nói đến ở châu Âu như thế chúng tôi nắm quyền kiểm soát về mức lợi nhuận kiếm được từ LNG của chúng tôi, mà chúng tôi không hề”, ông nói thêm.

Vị Thứ trưởng cũng không quên khẳng định rằng ngoài việc đảm bảo nguồn cung LNG ổn định, Mỹ còn tập trung vào vấn đề giảm khí thải carbon của loại nhiên liệu này, nhằm duy trì vai trò của LNG như một “giải pháp trung hạn cho vấn đề an ninh năng lượng”. “Chúng tôi phải chứng minh đây là một phần của chiến lược nhằm tiến tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này”, ông nói.

Hiện Mỹ đang cạnh tranh với Qatar để giành vị thế nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và dự định tăng mạnh nguồn cung LNG trong thập kỷ tới.