Mỹ và Trung Quốc "không ai nhường ai", đàm phán lâm bế tắc
Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ như đã rơi vào bế tắc, khi hai bên không ai chịu nhường ai
Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ như đã rơi vào bế tắc, khi Washington yêu cầu Bắc Kinh cam kết có những thay đổi cụ thể về luật, còn Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận "ngậm bồ hòn" gây tổn hạn cho lợi ích của mình.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang mạnh vào hôm thứ Sáu tuần trước, khi Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với lý do mà Tổng thống Donald Trump đưa ra là Trung Quốc "phá thỏa thuận" bằng cách rút lại những cam kết đã đưa ra trước đó trên bàn đàm phán.
Trong một chương trình vào ngày Chủ nhật của kênh Fox News, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng Trung Quốc cần chấp nhận những điều khoản thực thi "rất mạnh" trong một thỏa thuận cuối cùng, đồng thời cho biết điểm nghẽn đàm phán là Bắc Kinh không chấp nhận đưa vào thỏa thuận những điều chỉnh luật mà hai nước đã chấp nhận trước đó. Ông Kudlow nói thuế quan của Mỹ sẽ được duy trì khi đàm phán tiếp diễn.
Về phần mình, Trung Quốc tỏ ra không kém phần cứng rắn. "Không bao giờ Trung Quốc từ bỏ niềm tự tôn của mình, và không ai nên kỳ vọng Trung Quốc nuốt quả đắng gây phương hại đến lợi ích cốt lõi của mình", một bài bình luận đăng trên số ra ngày thứ Hai của tờ Nhân dân Nhật báo viết.
Bài báo nói Bắc Kinh luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán, nhưng sẽ không lùi bước trong những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc.
Cùng ngày Chủ nhật, ông Trump thể hiện rằng Mỹ đang giữ lợi thế trong cuộc đàm phán với Trung Quốc.
"Chúng ta đang ở đúng chỗ mình muốn trong đàm phán với Trung Quốc", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc hoàn toàn có thể chuyển sang mua từ các nhà sản xuất trong nước hoặc từ các quốc gia khác.
Ông Trump tiếp tục tuyên bố rằng Mỹ đang thu "hàng chục tỷ USD tiền thuế quan từ Trung Quốc". Tuy nhiên, theo giới phân tích, thuế quan mà chính quyền ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc không phải do Chính phủ Trung Quốc hay các công ty ở Trung Quốc trả, mà do các công ty ở Mỹ nhập hàng hóa Trung Quốc phải trả và chi phí này được chuyển sang người tiêu dùng và các nhà sản xuất ở Mỹ.
Khi được hoi ai là người phải trả thuế quan, ông Kudlow nói "cả hai bên đều phải chịu điều này". Phát biểu của vị cố vấn trái ngược với những gì ông Trump vẫn nói. Tuy vậy, ông Kudlow nói nền kinh tế Mỹ có đủ khả năng để vượt qua ảnh hưởng của thuế quan.
Theo ông Kudlow, nhiều khả năng ông Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh khối G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Cũng vào cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc đã nêu rõ 3 điều kiện để nước này có thể đi đến một thỏa thuận với Mỹ. Cho đến sáng ngày thứ Hai, Bắc Kinh chưa công bố biện pháp đáp trả Washington về đợt tăng thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa.
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng trong vòng đàm phán ở Washington hôm thứ Năm và thứ Sáu, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của nước này - lập luận rằng Bắc Kinh có thể điều chỉnh chính sách thông qua các nghị định của Hội đồng Nhà nước, thay vì điều chỉnh thẳng trong luật như đòi hỏi của Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất này không được Đại diện thương mại Mỹ (USTR) chấp nhận.
"Chúng tôi muốn những điều chỉnh trong thỏa thuận phải được Trung Quốc đưa vào luật, chứ không phải là chỉ bằng tuyên bố của Hội đồng Nhà nước. Chúng tôi muốn thứ gì đó thật rõ ràng. Và cho tới đạt được điều đó, chúng tôi sẽ giữ nguyên thuế quan", ông Kudlow nói.
Ông Trump đã yêu cầu ông Lighthizer tiến hành các thủ tục áp thuế lên nốt hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, mức thuế 25% có thể sớm được áp lên khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.