06:00 23/04/2024

Mỹ và Trung Quốc tranh luận về dư thừa công suất

An Huy

Đáp trả những cáo buộc về dư thừa công suất, giới chức Trung Quốc gần đây đã đưa ra nhiều tuyên bố cho rằng điều mà Washington và Brussels nói là vô căn cứ...

Tấm pin năng lượng mặt trời là một trong những mặt hàng mà Trung Quốc đang xuất khẩu ồ ạt ra thế giới - Ảnh: Bloomberg.
Tấm pin năng lượng mặt trời là một trong những mặt hàng mà Trung Quốc đang xuất khẩu ồ ạt ra thế giới - Ảnh: Bloomberg.

Trở về từ chuyến công du Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ sẽ không loại trừ bất kỳ khả năng nào trong việc phản ứng với tình trạng dư thừa công suất của nền sản xuất Trung Quốc, bao gồm khả năng áp thêm thuế quan để ngăn chặn điều mà bà gọi là “sự tràn ngập của hàng hóa giá rẻ trên thị trường Mỹ”. Về phần mình, Bắc Kinh cũng có những lập luận sắc bén để bác bỏ cáo buộc dư thừa công suất mà phương Tây đưa ra.

“Chúng tôi lo ngại về khả năng xuất hiện những làn sóng xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang thị trường của chúng tôi, ở những lĩnh vực mà Trung Quốc có sự dư thừa lớn về công suất. Chúng tôi đã nói rất rõ trong các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc rằng đây không chỉ là một mối lo đối với Mỹ mà còn đối với các quốc gia khác, như châu Âu, Nhật Bản và thậm chí cả các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Mexico và Brazil”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, bà Yellen kêu gọi Bắc Kinh dừng “những hành vi kinh tế bất bình đẳng”, bao gồm điều mà Mỹ cho là đối xử không công bằng với doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài khác hoạt động ở Trung Quốc, cũng như bóp méo thị trường toàn cầu bằng cách trợ cấp cho việc sản xuất quá mức trong một số lĩnh vực nhất định.

Khi được hỏi liệu Mỹ có tính đến khả năng áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc hay không, bà Yellen nói: “Tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào trong việc đáp trả. Nhưng chúng tôi thực sự muốn quản lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm”.

Mấy năm gần đây, Trung Quốc bơm mạnh tiền vào lĩnh vực sản xuất, lấy trọng tâm là những ngành công nghiệp mới như ô tô điện, pin và năng lượng tái tạo để tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của nước này.

Trong bối cảnh như vậy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden siết chặt các biện pháp nhằm cản bước tiến công nghệ của Trung Quốc, đồng thời phát tín hiệu muốn áp thêm thuế quan lên ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã mở một cuộc điều tra đối với ô tô điện Trung Quốc.

XUNG ĐỘT QUAN ĐIỂM GIỮA PHƯƠNG TÂY VÀ TRUNG QUỐC

Đáp trả những cáo buộc về dư thừa công suất, giới chức Trung Quốc gần đây đã đưa ra nhiều tuyên bố cho rằng điều mà Washington và Brussels nói là vô căn cứ.

Tại một cuộc gặp bàn tròn với các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc diễn ra tại Paris cách đây hai tuần, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao nói rằng cáo buộc mà Mỹ và châu Âu đưa ra về việc Trung Quốc dư thừa công suất là “không có căn cứ thực tế nào”. Ông Wang khẳng định sự nổi lên của Trung Quốc trong những lĩnh vực này được thúc đẩy bởi sáng tạo và hệ thống chuỗi cung ứng hoàn thiện cũng như các yếu tố khác.

Phản ứng trên của Trung Quốc dựa trên lập luận rằng hệ thống sản xuất của nước này có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Đây là một “cú quay xe” so với cách đây một tháng - khi chính giới chức Trung Quốc gồm Thủ tướng Lý Cường đã đưa ra những cảnh báo về sự dư thừa công suất.

Sự “phản pháo” này của Trung Quốc đối lập với tương tác được đánh giá là nồng ấm giữa bà Yellen và các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh của vị Bộ trưởng Mỹ. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ khoét sâu thêm bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về vấn đề đang được coi là nóng nhất trong thương mại toàn cầu, từ đó có thể làm gia tăng thêm căng thẳng song phương.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, bà Yellen bảo vệ nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, nói rằng nỗ lực này của Washington sẽ chỉ “có ảnh hưởng rất khiêm tốn đến lạm phát”. Bà nói nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng mạnh kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một lý do khiến sản xuất công nghiệp ngày càng đi xuống tại nhiều khu vực ở Mỹ. “Chúng tôi muốn tham gia vào thương mại sao cho mang lại lợi ích cho cả đôi bên”, bà Yellen nói.

Theo giới chuyên gia, cả Mỹ và Trung Quốc đều tin họ có những lập luận chắc chắn trên cơ sở dữ liệu rõ ràng để bảo vệ quan điểm của mình.

Sự chỉ trích đến từ Mỹ và châu Âu cho rằng trợ cấp nhà nước mà Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất của nước này, cộng thêm sự suy giảm của nhu cầu trong nước, đang dẫn tới sự gia tăng quá mức nguồn cung hàng hóa Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, kéo tụt giá cả và đặt ra nguy cơ đối với nhà sản xuất ở các quốc gia khác. Phương Tây cho biết các doanh nghiệp của họ tồn tại được là nhờ lợi nhuận từ kinh doanh thay vì nhờ trợ cấp từ nguồn lực nhà nước như doanh nghiệp Trung Quốc. Họ cho rằng tình trạng này có thể làm phức tạp thêm các quyết định đầu tư dài hạn.

Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc trợ cấp và cho rằng chính Mỹ và EU mới cần phải xem lại vì Chính phủ các nước này đang có các chương trình hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng. Trong khi đó, phương Tây đưa ra một cái nhìn rộng hơn về trợ cấp nhà nước, bao gồm cả các khoản vay giá rẻ, ưu đãi về đất đai, đầu tư hạ tầng khổng lồ và các lợi ích khác trải rộng khắp một chuỗi cung ứng có sự gắn kết toàn diện.

NHỮNG LÝ LẼ CỦA TRUNG QUỐC

Giới chức châu Âu đã chỉ ra nguồn lực khổng lồ được hệ thống tài chính Trung Quốc chuyển hướng từ ngành bất động sản sang lĩnh vực sản xuất khi Bắc Kinh tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên theo Trung Quốc, dư thừa công suất công nghiệp không phải là vấn đề của riêng nước này.

Trung Quốc lập luận rằng cung cầu nên được nhìn nhận từ góc độ toàn cầu, đặc biệt khi sự chỉ trích của phương Tây tập trung vào những ngành công nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong mục tiêu khí hậu của toàn cầu. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của không ít chuyên gia.

“Tôi rất hoài nghi về ý tưởng dư thừa công suất. Thử nghĩ mà xem, như vậy có nghĩa là mỗi quốc gia chỉ nên sản xuất đủ cho nước đó dùng. Như thế nghĩa là không có thương mại. Mà chúng ta sẽ ra sao nếu không có thương mại?”, nhà kinh tế cấp cao Nicholas Lardy của Viện Peterson nhận định trong một diễn đàn tài chính ở Hồng Kông...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mỹ và Trung Quốc tranh luận về dư thừa công suất - Ảnh 1