Năm 2021: Chứng khoán Mỹ tăng 27%, giá dầu tăng mạnh nhất 12 năm
Thị trường chứng khoán Mỹ đang khởi động năm 2022 trong xu hướng tăng, sau khi hoàn tất năm 2021 với mức tăng rực rỡ. Giá dầu thô cũng đi lên sau khi tăng mạnh nhất kể từ năm 2009...
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ tăng trong sáng nay (3/1) theo giờ Việt Nam, trước khi bước vào phiên giao dịch chính thức vào đêm nay. Lúc hơn 7h sáng, chỉ số Dow Jones tăng khoảng 0,3%, trong khi S&P 500 và Nasdaq tăng khoảng 0,4% mỗi chỉ số.
Trước đó, thị trường giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng chốt một năm tăng mạnh. Dow Jones giảm 0,16%; S&P 500 giảm 0,26%; và Nasdaq giảm 0,61% trong phiên cuối cùng của năm cũ.
Tính cả năm, S&P 500 tăng gần 27%; Dow Jones tăng gần 20%; và Nasdaq tăng gần 27%. Đáng chú ý, S&P 500 đã có 70 lần lập kỷ lục trong năm 2021. Trong lịch sử, 2021 là năm chỉ số này lập kỷ lục nhiều thứ nhì, chỉ sau năm 1995 với 77 lần.
Năm 2022 bắt đầu trong bối cảnh thế giới vẫn đối mặt với những bấp bênh do Covid-19 gây ra. Sự xuất hiện và lây lan với tốc độ chóng mặt của biến chủng Omicron khiến hàng chục nghìn chuyến bay trên toàn cầu phải huỷ bỏ trong mùa nghỉ lễ cuối năm, đồng thời buộc nhiều doanh nghiệp và trường học phải đóng cửa tạm thời. Một số ngân hàng lớn ở Phố Wall đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà trong vài tuần đầu tiên của tháng 1.
Lạm phát và chính sách tiền tệ được dự báo cũng sẽ là những chủ đề chính của năm 2022, khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vài lần để kiềm chế đà leo thang của giá cả tiêu dùng.
“Cũng giống như toàn bộ nền kinh tế nói chung, câu chuyện của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2022 sẽ là trở lại bình thường. Việc tuyển dụng nhân sự sẽ tiếp tục, chi tiêu tăng lên, doanh nghiệp đầu tư thêm, nền kinh tế sẽ bình thường hoá. Chính phủ cũng sẽ bình thường hoá chính sách dựa trên kỳ vọng tương tự. Khi nhìn vào bức tranh vĩ mô, chủ đề bao trùm của năm 2022 sẽ là quay lại với bình thường”, Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network nhận định trong một báo cáo hôm thứ Sáu.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, diễn ra vào ngày thứ Hai (3/1), chứng khoán Mỹ có thể nhận một cú huých từ cổ phiếu Tesla. Hãng xe điện này vừa công bố giao đuọc 308.600 xe trong quý 4, một con số kỷ lục và vượt dự báo.
Tuần đầu tiên của năm mới cũng có nhiều dữ liệu kinh tế được công bố, bao gồm bản báo cáo việc làm chủ chốt của tháng 12, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu (7/1).
Giá dầu thô Brent chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 với mức giảm 1,75 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 77,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,78 USD/thùng, tương đương giảm 2,31%, còn 75,21 USD/thùng.
Cả năm, giá dầu Brent tăng 50,5%, đánh dấu năm tăng mạnh nhất kể từ 2016. Giá dầu WTI tăng 55,5%, mạnh nhất kể từ 2009 – năm mà giá loại dầu này tăng hơn 70%.
Hồi tháng 10, giá cả hai loại dầu tiêu chuẩn này cùng lập đỉnh của năm 2021, với giá dầu Brent đạt 86,7 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 2018, và giá dầu WTI đạt 85,41 USD/thùng, cao nhất kể từ 2014.
Động lực tăng cho giá dầu trong năm qua là sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu sau cú sụt vì đại dịch trong năm ngoái. Một lý do quan trọng khác đưa dầu tăng giá là nỗ lực hạn chế sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt, ngay cả khi số ca nhiễm Covid mới hàng ngày trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục.
“Năm 2021 là một câu chuyện phục hồi của giá xăng dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital Management nhận định. “Thị trường dầu lửa sẽ tiếp tục phản ứng với những thông tin liên quan đến đại dịch. Covid chưa kết thúc, nhưng nhu cầu tiêu thụ dầu đã đạt tới gần mức trước đại dịch”.
Nhu cầu dầu của thế giới được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022 do sự khởi sắc của nhu cầu nhiên liệu hàng không.
“Chúng ta đang đối mặt với biến chủng Delta và Omicron cùng tất cả các dạng phong toả và hạn chế đi lại, nhưng nhu cầu dầu vẫn khá vững vàng”, chuyên gia kinh tế trưởng Craig James của CommSec nói với Reuters. “Đó là nhờ nhu cầu dựa trên các chính sách kích cầu, trong khi nguồn cung bị hạn chế”.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters với sự tham gia của 35 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ bình quân 73,57 USD/thùng trong năm 2022, thấp hơn khoảng 2% so với mức dự báo 75,33 USD/thùng đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng 11. Kể từ tháng 8, đây là lần đầu tiên dự báo giá dầu 2022 trong cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters giảm. Điều này cho thấy các chuyên gia vẫn đang thận trọng về ảnh hưởng của biến chủng Omicron đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trong tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường dầu là cuộc họp sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga. Cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 4/1, và theo một số nguồn thạo tin, OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 2.