06:00 29/06/2021

Năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, đất đai và kinh doanh có lãi

Chu Khôi

Các nông, lâm trường quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng đất kém hiệu quả, lãng phí; phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang thuê đất; Tình trạng cho thuê, cho mượn, sử dụng đất không đúng đối tượng, tranh chấp, lấn chiếm đất đai sau sắp xếp vẫn tiếp tục xảy ra..

Việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

NHỨC NHỐI ĐẤT ĐAI NÔNG LÂM TRƯỜNG

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã báo cáo tóm tắt chuyên đề về quản lý sử dụng đất đai tại nông lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Theo ông Lê Minh Hoan, kết quả sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQTW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, đến thời điểm hiện tại có 165/256 công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.

Trước khi sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng hơn 2,2 triệu ha, gồm: đất nông nghiệp gần 2,2 triệu ha, đất phi nông nghiệp hơn 36 ngàn ha.

Theo phương án sử dụng đất, các công ty tiếp tục quản lý, sử dụng trên 1,8 triệu ha, diện tích dự kiến bàn giao về địa phương khoảng 463 ngàn ha, Đến nay, mới thực hiện bàn giao về địa phương hơn 91 ngàn ha, còn trên 370 ngàn ha chưa thể giao về cho các địa phương.

Các nông, lâm trường quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng đất kém hiệu quả, lãng phí; phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang thuê đất; các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt; vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.

 

Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai tiếp tục lỏng lẻo, nhiều diện tích đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép không thu hồi được; tình trạng khoán trắng đã gây khó khăn khi làm thủ tục chuyển sang giao đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

“Việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI hiệu quả còn thấp, phức tạp. Tình trạng cho thuê, cho mượn, sử dụng đất không đúng đối tượng, tranh chấp, lấn chiếm đất đai sau sắp xếp vẫn tiếp tục xảy ra, chậm được xử lý dứt điểm nhất là đối với diện tích khoán ổn định lâu dài cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Việc xử lý đất giao khoán ở một số nơi thực hiện chưa tốt, làm phát sinh tranh chấp giữa người nhận khoán và công ty, giữa người nhận khoán với nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

PHẢI XỬ LÝ DỨT ĐIỂM TRƯỚC NĂM 2025

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, mục tiêu đến năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, đất đai và kinh doanh có lãi; đạt được tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.

Bản Kế hoạch nêu rõ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước được giao, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng tại các công ty nông, lâm nghiệp.

Trong đó, về cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp, hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo hướng chỉ áp dụng đối với công ty có phương án rõ ràng về ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, xuất khẩu đạt tiêu chí quốc tế phổ biến.

 

Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL/TW nêu rõ, phải bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước đối với công ty nông, lâm nghiệp quản lý diện tích lớn (từ 500 ha trở lên đối với công ty nông nghiệp, từ 1.000 ha trở lên đối với công ty lâm nghiệp).

Cần đưa ra quy định về tỷ lệ vốn điều lệ Nhà nước nắm giữ tại các công ty nông, lâm nghiệp cổ phần hóa quản lý nhiều đất đai; quy định về sáp nhập, hợp nhất một số công ty nông, lâm nghiệp trên cùng địa bàn, cùng chủ sở hữu; quy định về kinh phí hỗ trợ giải quyết các tồn tại tài chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện giải thể nhưng mất khả năng thanh toán; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các địa phương thực sự khó khăn không cân đối được ngân sách.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, sửa đổi, bổ sung các quy định có tính đặc thù về tài chính, thuế sử dụng đất trong công ty nông, lâm nghiệp sản xuất kinh doanh có tính đặc thù, kể cả các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tham gia vào sản xuất nông, lâm nghiệp trên các địa bàn chiến lược.

Nghiên cứu đề xuất về cơ chế chuyển giao vốn, tài sản trên đất từ công ty nông, lâm nghiệp về địa phương theo phương thức ghi tăng, giảm vốn đối với diện tích các công ty này bàn giao trong quá trình sắp xếp, đổi mới; quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ công ích đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xen kẹp giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý phù hợp với thực tiễn đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật, chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng pháp luật, hiệu quả diện tích đất giao về địa phương, không để đất vô chủ, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm về việc lập phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương quản lý và xử lý tài sản trên đất.

Tập đoàn, tổng công ty, công ty nông, lâm nghiệp phải rà soát phương án sử dụng đất đai được giao, được thuê, duy trì cơ chế khoán đối với hộ gia đình, cộng đồng đến hết chu kỳ khoán theo quy định pháp luật; khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, không để phát sinh phức tạp mới; bàn giao trên thực địa diện tích đất đã được phê duyệt theo đề án sắp xếp của công ty.