09:26 24/06/2023

Nâng cao công nghệ chế biến gỗ hướng đến kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025

Chu Khôi

Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương ( BIFA WOOD VIETNAM 2023) không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nguồn nguyên liệu đa dạng và hợp pháp, mà về lâu dài sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện; cung cấp máy móc, công nghệ, đến các nhà sản xuất, thương mại...

Đổi mới nâng cao công nghệ là giải pháp quan trọng để ngành chế biến gỗ vượt qua khó khăn.
Đổi mới nâng cao công nghệ là giải pháp quan trọng để ngành chế biến gỗ vượt qua khó khăn.

Từ ngày 9-12/8/2023, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, sẽ diễn ra Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương (BIFA WOOD VIETNAM 2023) với sự tham gia của hơn 700 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế, trưng bày giới thiệu sản phẩm đồ gỗ, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến trong ngành chế biến gỗ…

CẦN ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ, TINH GỌN SẢN XUẤT

Thông tin tại buổi họp báo giới thiệu BIFA WOOD VIETNAM 2023, ngày 22/6, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc VIFOREST FAIR, cho biết Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022.

Trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ…

Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ đạt mức 20 tỷ USD đến năm 2025, ông Lập cho rằng cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chủ quản, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đẩy mạnh đầu tư liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành gỗ Việt Nam đang gặp những bất lợi như đơn hàng ít, công nhân giảm giờ làm, chi phí nhân công cao, trình độ công nghệ - kỹ thuật còn thấp. Đồng thời, dòng tiền doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn trong khi các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn.

 
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

"Ở Việt Nam, ngành gỗ vẫn đang phải sử dụng nhiều nhân công, quy trình sản xuất còn rườm rà, cồng kềnh làm gia tăng chi phí sản xuất. Vấn đề này cho thấy các doanh nghiệp cần phải đầu tư về công nghệ để rút gọn công đoạn sản xuất, tinh gọn hệ thống sản xuất"

Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần phải nâng cấp, tìm ra những máy móc thay thế nhiều công đoạn trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ.

Được sự ủng hộ của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương và các ban ngành hữu quan; Công ty VIFOREST FAIR cùng với Công ty Guangdong Shunde Zhongfuying Exhibition Service Co.,Ltd phối hợp tổ chức Hội chợ BIFA WOOD VIETNAM 2023.

Sản phẩm trưng bày tại hội chợ lần này bao gồm 3 nhóm sản phẩm chính: Máy móc, thiết bị công nghiệp về chế biến gỗ của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ; Phụ kiện, phụ liệu về ngành gỗ, chế biến gỗ, nguyên liệu gỗ nhập khẩu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nhập khẩu nguyên liệu gỗ trong nước và các doanh nghiệp đến từ châu Mỹ, châu Âu…; Sản xuất, gia công, chế biến gỗ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan,…

Trong thời gian diễn ra hội chợ, Ban tổ chức phối hợp với các cơ quan ban ngành, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề như: hội thảo về thị trường và gỗ Canada, hội thảo xúc tiến thương mại nội khối; hội thảo về tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp gỗ; hội thảo “Nâng tầm Thiết kế với các Giải pháp kết dính đa vật liệu từ 3M- Hoàn thiện bề mặt sản phẩm với giải pháp Nhám 3M”…

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội chợ BIFA WOOD VIETNAM 2023, Ban tổ chức sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp Quốc tế tham quan khảo sát một số nhà máy sản suất và chế biến gỗ tại Bình Dương và một số tỉnh thành lân cận…

CẦN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ CHO NGÀNH GỖ

Theo Ban tổ chức, hội chợ lần này tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nguồn nguyên liệu đa dạng và hợp pháp. Thông qua hội chợ không những tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhau, trao đổi thông tin, hợp tác kinh doanh mà sâu xa hơn nữa, là tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện; cung cấp máy móc, công nghệ, đến các nhà sản xuất, thương mại. 

Tại cuộc họp báo, Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho hay Bình Dương được xem là trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam với giá trị đạt 6,5 tỷ USD, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của cả nước trong năm 2022.

Hội chợ BIFA WOOD VIETNAM được tổ chức thường kỳ từ năm 2017, 2018 trong khuôn khổ nhà tiền chế thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ngành gỗ.

Năm 2020, Ban tổ chức đã ra mắt hội chợ Nội thất VIFFO trên nền tảng trực tuyến để đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Để giúp ngành gỗ phát triển, Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho rằng cần phải thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của ngành gỗ như: sơn, keo, đinh vít, bao bì, logistics.

Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung trong nước, rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Cần có các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Toàn cảnh cuộc họp tại Bình Dương ngày 22/6/2023.
Toàn cảnh cuộc họp tại Bình Dương ngày 22/6/2023.

Nhận định về công nghệ của ngành chế biến gỗ, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, cho biết từ 2010 đến nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đã có sự đổi mới  về việc sử dụng các thiết bị tự động hóa, CNC, máy Lazer, robot vào các vấn đề cắt gỗ, xử lý mặt cắt tinh xảo…, một số nhà máy còn đưa Công nghệ thông tin vào việc quản trị, vận hành.