Nâng công suất cảng hàng không Điện Biên lên 500.000 hành khách/năm, đón tàu bay lớn
Đến năm 2025, Cảng hàng không Điện Biên sẽ nâng công suất nhà ga hành khách lên 500.000 khách/năm, sân đỗ tiếp nhận được 04 tàu bay, trong đó có 3 vị trí đỗ tàu bay lớn...
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, khu nhà ga hành khách giai đoạn đến năm 2025 sẽ nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Đến năm 2025, Cảng hàng không Điện Biên sẽ nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm. Xây dựng sân đỗ máy bay bảo đảm đáp ứng tiếp nhận được 04 tàu bay, gồm 03 vị trí đỗ máy bay A320/A321 hoặc tương đương và 01 vị trí đỗ ATR72 hoặc tương đương, đồng thời, tiếp tục sử dụng sân đỗ tàu bay hiện hữu.
Nhà ga hàng hóa bố trí chung trong nhà ga hành khách. Sử dụng một phần nhà xe ngoại trường để tập kết và xử lý hàng hóa khi có nhu cầu. Đồng thời, mở rộng sân đỗ ô tô hiện hữu để đồng bộ với công trình mở rộng nhà ga.
Đối với các công trình khu bay, điều chỉnh kích thước dải hãm phanh đầu (stopway) của đầu 17 đường cất hạ cánh thành 80mx60m. Điều chỉnh kích thước dải cất hạ cánh thành 280m x 2.700m.
Xây dựng 1 đường lăn đồng bộ với đường cất hạ cánh 35-17 nối vào sân đỗ máy bay dân dụng mới, chiều rộng của đường lăn rộng 15m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng và lề vật liệu 2 bên, mỗi bên rộng 5m.
Giai đoạn đến năm 2025, xây dựng sân đỗ máy bay bảo đảm đáp ứng tiếp nhận được 04 tàu bay, gồm 03 vị trí đỗ máy bay A320/A321 hoặc tương đương và 01 vị trí đỗ ATR72 hoặc tương đương, đồng thời, tiếp tục sử dụng sân đỗ tàu bay hiện hữu.
Quy hoạch xây dựng hố xử lý bom mìn đồng bộ khi xây dựng đường cất hạ cánh 35-17, vị trí gần phạm vi sân quay đầu 17 của đường cất hạ cánh, phía ngoài dải san gạt của đường cất hạ cánh.
Đối với khu công trình quản lý, điều hành bay, đầu tư xây mới trạm quan trắc khí tượng tự động AWOS đồng bộ với đường cất hạ cánh 35-17.
Đối với khu công trình kỹ thuật, xây dựng nhà xe kỹ thuật ngoại trường theo đúng vị trí quy hoạch, kết hợp là trạm khẩn nguy cứu hỏa khi có nhu cầu. Công trình phụ trợ cho khu vực nhà ga hành khách gồm các hạng mục cấp điện, cấp nước, thoát nước, trạm xử lý nước thải…. bổ sung hoặc cải tạo, nâng cấp đáp ứng đồng bộ với nhà ga hành khách.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch phù hợp với quy định hiện hành, đồng thời rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy mô, công suất khai thác theo quy hoạch được phê duyệt.
Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 2501/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Sân bay Điện Biên có một đường băng được đưa vào sử dụng từ năm 1994, với hệ thống trang thiết bị hạ cánh đơn giản. Nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm, với ba vị trí đỗ máy bay.
Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi) nên thời gian qua, sân bay Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày, trong điều kiện thời tiết cho phép.
Trước đó, cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 470/QĐ – TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Theo đó, Thủ tướng giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) là nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.547 tỷ đồng, trong đó sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện là 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.