Nâng hạng chứng khoán Việt: Giấc mơ trong tầm tay
Chuyên gia Phan Lê Thành Long cho rằng quan trọng Việt Nam có muốn nâng hạng hay không thôi. Nếu quyết tâm cải cách, minh bạch thì việc nâng hạng sẽ thực hiện được
Một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu, FTSE Russell đã chính thức đưa thị trường Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi hạng 2. Đây là vấn đề nóng được nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế mổ xẻ song thị trường Việt còn chưa đáp ứng tiêu chí của FTSE.
FTSE Russell, cùng với MSCI là hai đơn vị cung cấp bộ chỉ số lớn nhất thế giới, sẽ công bố quyết định nâng hạng thị trường trong tháng 9. Quỹ có 2 đợt cập nhật thường niên vào tháng 3 và tháng 9.
FTSE Russell được sử dụng chuẩn cho các loại tài sản tại hơn 80 thị trường và 98% thị trường có thể đầu tư toàn cầu. Tính đến 31/12/2017 có 1.700 tỷ USD tài sản quản lý theo tiêu chuẩn bộ chỉ số FTSE toàn cầu, trong đó có 1.400 tỷ USD tài sản đầu tư theo chỉ số này. Các trong quỹ lớn đầu theo chỉ số này là Vanguard, Charles Schwab và Ivesco PowerShares Capital.
Chưa đáp ứng nhiều tiêu chí của FTSE
Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số FTSE thị trường cận biên và thỏa mãn các điều kiện nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 9/21 chỉ tiêu của FTSE.
Việt Nam vẫn có 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu và 8 tiêu chí giới hạn trong số 21 tiêu chí so với các thị trường ở nhóm trên.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết theo tiêu chí của FTSE, kể cả khi đã thỏa mãn 9 trên 9 điều kiện tiên quyết thì Việt Nam vẫn sẽ phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất 1 năm. Tức là, nếu có những cải thiện để hoàn thiện tiêu chí cuối cùng, nhanh nhất Việt Nam sẽ được công bố thăng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào kỳ báo cáo thường niên tháng 9/2019.
Việt Nam mới đạt được 9/21 tiêu chí của FTSE.
Quan trọng Việt Nam có muốn nâng hạng hay không?
Ông Phan Lê Thành Long, Trưởng đại diện CMA Australia tại Việt Nam cho rằng Việt Nam mới vào danh sách theo dõi song Việt Nam đang có đầy đủ các điều kiện chín để các bảng xếp hạng quan tâm. FTSE hay cả MSCI không thể bỏ qua một thị trường nhiều hàng hoá như ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư, quy mô thị trường đạt 70-80% GDP, môi trường vĩ mô ổn định.
"Vậy điều kiện đủ là gì? Có công ty chứng khoán ước tính giá trị danh mục được phân bổ cho thị trường Việt thêm cả tỷ USD nếu được nâng hạng chính thức. Các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới như BlackRock, Vanguard sẽ cơ cấu danh mục vào chỉ số của chúng ta. Chỉ có điều chúng ta có muốn không thôi", ông Long chia sẻ.
Nói thêm về điều kiện nâng hạng, ông Long cho hay, một quỹ đầu tư cỡ vừa, quản lý danh mục 2-4 tỷ USD sang Việt Nam, băn khoăn lớn nhất của họ vẫn là bỏ tiền vào thì anh có sử dụng đúng mục đích đã cam kết không, có minh bạch thông tin khi sử dụng tiền để đầu tư không,...
Đó là hàng loạt vấn đề cần thẩm tra trước khi quyết định xuống tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
"Điều tưởng như bình thường trong bất kỳ deal mua bán sáp nhập nào với các quỹ lớn nước ngoài thì có vẻ như miễn cưỡng ở Việt Nam. Vậy thế, vẫn là câu hỏi chúng ta có thực sự muốn hay không thôi. Muốn nâng hạng thì phải nâng cao được tính minh bạch, nâng cao được chất lượng quản trị. Còn không thì một chút điều kiện để được nâng hạng cũng khó. Chúng ta muốn có miếng bánh to hay cứ tranh nhau cái bánh nhỏ mãi. Môi giới, nhà đầu tư chứng khoán thích tự dưng có lượng tiền cực dồi dào đổ vào thị trường hay thích hô hào đánh đấm, nội gián với phông bạt, làm giá mãi", ông Long nói.
Dưới góc độ nhà chức trách, ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) cho rằng để nâng hạng thị trường cần duy trì được việc đáp ứng các tiêu chí như hiện nay và tiến đến cải thiện hơn nữa vị thế của thị trường chứng khoán.
Ông cho biết, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, làm hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường chứng khoán trong nhiều năm sắp tới. Đây là cơ hội tốt để thực hiện mục tiêu nâng hạng chính thức.
"Những nội dung như quản lý tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài, hay tăng cường tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu như áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày, cho vay chứng khoán, đối tác bù trừ trung tâm,.... nhằm quản lý rủi ro, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư", ông Trà nói đó chính là những yếu tố chính đối với việc xem xét nâng hạng của FTSE.