07:17 28/12/2022

Nasdaq tụt điểm vì cổ phiếu Tesla lao dốc, giá dầu thô lên cao nhất hơn 3 tuần

Bình Minh

Năm 2022 chỉ còn lại 3 ngày giao dịch, và chứng khoán Mỹ đang trên đà hoàn tất năm tồi tệ nhất kể từ 2008...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/12) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Dow Jones tăng nhẹ nhưng S&P 500 và Nasdaq tụt giảm. Dầu thô vững giá vì một mặt chịu áp lực giảm từ số liệu cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng, nhưng mặt khác được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các quy định chống Covid-19.

Phiên này mở đầu cho tuần giao dịch được rút ngắn bởi kỳ nghỉ Giáng sinh vào hôm thứ Hai. Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 37,63 điểm, tương đương tăng 0,1%, đạt 33.241,56 điểm. S&P 500 giảm 0,4%, còn 3.829,25 điểm.

Nasdaq giảm gần 1,38%, còn 10.353,23 điểm, chủ yếu do cú giảm 11% của cổ phiếu Tesla sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin hãng xe điện này sẽ tiếp tục việc tạm dừng sản xuất đã kéo dài cả tuần tại nhà máy ở Thượng Hải. Phiên này đánh dấu ngày giảm thứ bảy liên tiếp của cổ phiếu Tesla.

Năm nay là một năm nhiều biến động của Tesla, khi CEO Elon Musk tiến hành vụ mua lại mạng xã hội Twitter gây nên vô số sóng gió. Tính từ đầu năm, cổ phiếu Tesla đã mất 69% giá trị.

“Cách đây 1 năm, ông Musk là một người hùng và nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu Tesla. Giờ thì họ đua nhau bán”, nhà sáng lập Eric Jackson của EMJ Capital nhận định với hãng tin CNBC.

Năm 2022 chỉ còn lại 3 ngày giao dịch, và chứng khoán Mỹ đang trên đà hoàn tất năm tồi tệ nhất kể từ 2008. Trong đó, mức giảm tệ nhất thuộc về Nasaq, chỉ số đã “bốc hơi” 33,8% từ đầu năm, trong bối cảnh nhà đầu tư dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng trưởng vì mối lo suy thoái kinh tế. Dow Jones và S&P 500 đã giảm tương ứng 8,5% và 19,7%.

“Tiền đang chảy khỏi những lĩnh vực tăng trưởng và chảy vào các cổ phiếu giá trị… Một khi những nhóm cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh rơi vào cảnh rớt giá, thì những nhóm khác lại có thể trỗi dậy”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Carson Group nói với hãng tin Reuters.

Thị trường đang chờ các số liệu về ngành sản xuất và thị trường nhà đất dự kiến công bố vào ngày thứ Tư. Điều mà nhà đầu tư hy vọng là những con số phát tín hiệu nền kinh tế đang yếu đi, vì như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất.

“Năm nay là một năm tồi tệ đối với cổ phiếu, nhưng còn tệ hơn đối với trái phiếu. Đó là một tình trạng cực kỳ hiếm thấy. Đây là một lời nhắc nhở rằng thị trường đôi khi có thể gây ngạc nhiên”, ông Detrick phát biểu.

Trung Quốc đang tiếp tục nới lỏng các hạn chế chống Covid, nhân tố kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế 17 nghìn tỷ USD trong suốt 2 năm qua. Các động thái này của Bắc Kinh làm dấy lên hy vọng về một sự phục hồi nhu cầu toàn cầu và cải thiện chuỗi cung ứng.

Hy vọng này đưa giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,66 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 84,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,18 USD/thùng, đạt 79,73 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá dầu đạt mức cao nhất kể từ hôm 5/12. Tuy nhiên, mức tăng khi đóng cửa khá hạn chế do một số cơ sở lọc dầu ở vùng Bờ Vịnh Mexico của Mỹ đã hoạt động sau một thời gian đóng cửa vì bão tuyết gây đóng băng.

“Dự báo cho thấy thời tiết ở Mỹ sẽ cải thiện trong tuần này, và như thế, đợt tăng này của giá dầu có thể không kéo dài”, nhà phân tích Kazuhiko Saito của Fujitomi Securities phát biểu.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/12 ký một sắc lệnh cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu trong vòng 5 tháng cho các nước tham gia vào việc áp trần giá lên dầu Nga, có hiệu lực từ ngày 1/2. Mối lo về việc Nga thể cắt giảm sản lượng dầu cũng mang lại một sự hỗ trợ cho giá dầu.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Nga có thể cắt giảm 5-7% sản lượng dầu vào đầu năm 2023.