08:40 15/06/2021

NATO ra lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong kỳ thượng đỉnh đầu tiên có ông Biden

An Huy

Tại cuộc họp này, ông Biden đã có màn thể hiện hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Trump trong liên minh quân sự NATO...

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phiên họp tại thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phiên họp tại thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6 - Ảnh: Reuters.

Các nhà lãnh đảo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14/6 ra thông cáo chung cảnh báo rằng Trung Quốc đại diện cho “những thách thức mang tính hệ thống”. Tuyên bố này thể hiện một lập trường mạnh mẽ với Bắc Kinh trong kỳ họp thượng đỉnh NATO đầu tiên có sự tham gia của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Theo tin từ Reuters, ông Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo khác trong NATO cứng rắn với Trung Quốc – một thay đổi về trọng tâm của khối liên minh quân sự vốn được thành lập để đối trọng với Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh.

ÔNG BIDEN VÀ QUAN ĐIỂM TRÁI NGƯỢC ÔNG TRUMP TRONG NATO

“Tham vọng đã được khẳng định của Trung Quốc và hành vi cứng rắn của nước này đại diện cho những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc và đối với những lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”, các nhà lãnh đạo NATO nói trong tuyên bố chung.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel miêu tả sự xuất hiện của ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là mở ra một chương mới.

Ông Biden cũng nói với các đồng minh châu Âu rằng hiệp ước phòng thủ chung của NATO là một “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với nước Mỹ. Phát biểu này được xem là một sự dịch chuyển lớn so với những gì mà Washington đã thể hiện dưới thời Tổng thống Donald Trump – người từng doạ rút Mỹ khỏi NATO và cáo buộc các nước châu Âu đóng góp quá ít cho sự bảo vệ chung.

“Tôi muốn toàn thể châu Âu biết rằng nước Mỹ đang ở đây. NATO có vai trò quan trọng sống còn đối với chúng tôi”, ông Biden nói.

Tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị tại Brussels, Bỉ, ông Biden nói rằng Trung Quốc và Nga đang tìm cách chia rẽ liên minh quân sự giữa hai bờ Đại Tây Dương. Ông cũng nói ông không muốn xung đột với Nga, nhưng NATO sẽ đáp trả nếu Moscow “tiếp tục những hành động gây hại”.

Tiếp đó, ông Biden – người sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vlaidimir Putin vào ngày 16/6 – miêu tả người đứng đầu điện Kremlin là cứng rắn và thông minh.

Giữa các phương Tây hiện đang có nhiều điểm khác biệt trong chiến lược với Trung Quốc, nhưng ông Biden nói rằng NATO đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Mỹ. “Nước Mỹ đã trở lại”, ông nói như một sự trấn an châu Âu rằng ông không phải là một nhà lãnh đạo dân tuý như người tiền nhiệm Trump.

Các nhà lãnh đạo NATO tại trụ sở khối ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6 - Ảnh: Reuters.
Các nhà lãnh đạo NATO tại trụ sở khối ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6 - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ rời cương vị này vào tháng 9 năm nay, miêu tả sự xuất hiện của ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là mở ra một chương mới. Bà cũng nói về sự cần thiết phải ứng phó với Trung Quốc như một mối đe doạ tiềm tàng, nhưng nhấn mạnh về sự cân bằng.

“Nếu nhìn vào nguy cơ an ninh mạng và những nguy cơ khác, vào sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, thì không thể xem nhẹ Trung Quốc”, bà Merkel nói với các nhà báo. “Nhưng cũng không nên thổi phồng vấn đề. Chúng ta cần tìm đúng điểm cân bằng”.

LỢI ÍCH KINH TẾ SONG HÀNH MỐI LO AN NINH

Tại trụ sở của NATO, Tổng thư ký của khối này là ông Jens Stoltenberg nói rằng hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc từ vùng Baltic cho tới châu Phi đồng nghĩa với NATO cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.

 

“Tôi không nghĩ nước nào cũng muốn rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc” - Thủ tướng Anh Boris Johnson.

“Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn. Chúng ta nhìn thấy họ trong không gian mạng, ở châu Phi, và họ còn đang đầu tư mạnh vào những cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta”, ông Stoltenberg nói, nhắc đến các dự án cảng biển và viễn thông có vốn Trung Quốc.

Quan điểm cứng rắn của NATO đối với Bắc Kinh trong thông cáo chung cuối cùng của hội nghị được đưa ra chỉ một ngày sau khi tuyên bố chung của thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chỉ trích Trung Quốc trong một loạt vấn đề, từ Tân Cương đến Đài Loan và Hồng Kông.

Phản ứng với sự chỉ trích này, đại sứ quán Trung Quốc ở London ra tuyên bố kịch liệt phản đối việc G7 đề cập đến các vấn đề trên, cho rằng G7 đã bóp méo sự thật và thể hiện “những ý định xấu xa của một số quốc gia như Mỹ”. “Uy tín của Trung Quốc không thể bị bôi nhọ”, đại sứ quán Trung Quốc ở London nói ngày 14/6.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói có cả rủi ro và cơ hội trong quan hệ với Trung Quốc. “Tôi không nghĩ nước nào cũng muốn rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc”, ông nói.

Từ việc Trung Quốc đầu tư vào các cảng biển châu Âu và lên kế hoạch lập cơ sở quân sự ở châu Phi cho tới tập trận chung với Nga, NATO giờ đây nhất trí rằng cần phải có phản ứng mạnh hơn với sự nổi lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện các nước thành viên NATO cho rằng cần có sự đa dạng trong cách phản ứng.

Các nước đều nhận thức rõ về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo số liệu của Chính phủ Đức, tổng giá trị thương mại của nước này với Trung Quốc trong năm 2020 là 212 tỷ Euro, tương đương 257 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2021, Trung Quốc nắm 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và kim ngạch thương mại Mỹ-Trung năm 2002 là 559 tỷ USD.