19:41 24/05/2022

Nền kinh tế đã "phá băng", vì đâu doanh nghiệp hàng không vẫn "chật vật" phục hồi?

Ánh Tuyết

Hụt thu từ thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt cùng hàng loạt "lực cản" ngăn tiến trình phục hồi. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, vẫn cần có các chính sách riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hãng lấy lại đà tăng trưởng...

Thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 24/5, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo quốc tế "Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới".

Ngành hàng không được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Đại học Yersin và TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch, Tổng thư kí Hiệp hội Hàng không Việt Nam chỉ rõ, tháng 9/2021 là thời điểm hoạt động bay giảm xuống mức thấp nhất.

Thời điểm đó, các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn bay 1.311 chuyến, chỉ bằng khoảng 4,5% số chuyến mà các hãng khai thác vào cùng thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 9/2019, chưa bằng 4% so với số chuyến bay cao nhất trong một tháng từng đạt trước đó vào tháng 1/2020.

Đại dịch đem đến những tác động bất lợi rất lớn và nghiêm trọng tới hoạt động cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp ngành hàng không Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo "Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới".
Toàn cảnh hội thảo "Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới".

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ và có những triển vọng rất tốt sau đại dịch Covid-19. Đối với ngành hàng không, đây là một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, dù thị trường có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa.

Trong khi đó, "thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019)", ông Thắng khẳng định.

Bên cạnh đó, theo đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam, trong khoảng 5 năm tới, sự phục hồi và sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam vẫn chịu "lực cản" từ hàng loạt yếu tố như: tác động của diễn biến của dịch bệnh Covid và mức độ kiểm soát dịch bệnh; sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là sự phát triển của ngành du lịch; năng lực và thực tế tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành hàng không; mức độ hội nhập của ngành hàng không ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu và tác động tổng hợp từ các chính sách của Nhà nước.

 
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn.

"Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không là rất cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần có sự đồng hành của các ban, ngành, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là trong bối cảnh mới cùng với xu thế phát triển của ngành hàng không thế giới".

Vì vậy, theo các chuyên gia tại hội thảo, để thị trường hàng không Việt Nam phục hồi và phát triển, Nhà nước cần có các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hãng để lấy lại đà tăng trưởng.

Còn theo Hiệp hội Hàng không Việt Nam, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển, cần tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công - tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống này.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Hàng không, để các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không có thể sớm phục hồi và phát triển thì việc có một nguồn vốn/dòng tiền bền vững là điều hết sức quan trọng.

"Ngoài nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc thu xếp tài chính, bổ sung vốn từ các kênh khác nhau thì một đề xuất cũng rất đáng lưu tâm của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cũng cần được xem xét, tính đến, theo đó đề nghị Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hàng không như cho vay gói tái cấp vốn với các hãng hàng không lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ", ông Thắng gợi ý.