16:35 03/03/2023

Nền kinh tế Việt Nam có khả năng hấp thụ 2,87 triệu tỷ trong 5 năm?

Song Hoàng

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB những chính sách tiền tệ của Việt Nam đều hiệu quả. Tuy nhiên, cần tính toán chính xác sức hấp thụ để bơm số vốn phù hợp ra nền kinh tế...

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, cho rằng việc bơm vốn để kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tính toán chi tiết để biết rõ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam như thế nào.

Nhiều ý kiến cho rằng, vốn đầu tư công trong một số năm được giải ngân chậm, nhưng ông Nguyễn Minh Cường cho rằng đó là biểu hiện khả năng hấp thụ chưa tốt của nền kinh tế.

Về chính sách tiền tệ, ADB khuyến nghị cần tập trung vào lạm phát và ổn định giá cả; mặt khác, cần có vai trò chính sách tài khóa mạnh hơn nữa.

Về đầu tư công, ADB đặt vấn đề là việc hấp thụ vốn của Việt Nam như thế nào? Trên thực tế không phải là việc giải ngân chậm mà nền kinh tế có hấp thụ vốn được không.

Chính phủ Việt Nam phê duyệt 2,87 triệu tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung và dài hạn trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), như vậy, trung bình mỗi năm giải ngân hơn 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế mỗi năm chỉ giải ngân được 60%, nền kinh tế chỉ hấp thụ được như vậy.

Khi đưa ra con số đầu tư công, cần phải căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn, điều này phụ thuộc vào năng lực, cơ chế, luật phát. Do đó, về trung và dài hạn, cần phải thường xuyên xác định khả năng hấp thụ vốn của thị trường.

Đối với việc ổn định tài chính, ADB vẫn rất lạc quan với thị trường tài chính Việt Nam. Câu chuyện của năm 2023 là khơi thông thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu. ADB cho rằng, các điều kiện của Nghị định 65/NĐ-CP cần phải tiếp tục duy trì, bên cạnh các chính sách (như cơ chế bảo lãnh) để bảo đảm lòng tin của nhà đầu tư.