11:04 14/05/2010

Nên sửa Luật Hợp tác xã

Hưng Văn

Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sửa Luật Hợp tác xã, vì lợi ích của nông dân

Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hệ thống hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp đang sở hữu một lực lượng lao động đông đảo nhưng đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân lại giảm liên tục trong 15 năm vừa qua. Phải chăng sự "cập kênh" trong hệ thống văn bản pháp luật về hợp tác xã đang làm hạn chế sức phát triển của khu vực này?

Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sửa Luật Hợp tác xã, vì lợi ích của nông dân.

Tại Hội thảo về triển vọng và thị trường nông sản Việt Nam 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại Tp.HCM, ông đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã. Vì sao, thưa ông ?

Vấn đề được đặt ra vì lợi ích của nông dân. Đây là  tầng lớp nghèo nhất, chiếm tới 60% lực lượng lao động trong xã hội, đang phải đảm đương một lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế là sản xuất nông nghiệp. Khi hội nhập kinh tế thế giới, cạnh tranh thị trường ngày càng khắc nghiệt trong khi các tổ chức sản xuất của nông dân rất rời rạc. Họ tạo ra sản phẩm cơ bản nhưng không được chia sẻ đầy đủ lợi ích từ tiêu thụ và chế biến nông sản nên nguy cơ bất ổn xã hội vẫn tiềm ẩn.

Cả nước hiện có 6.631 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 46% tổng số hợp tác xã thuộc các ngành nghề. Lượng xã viên hợp tác xã nông nghiệp là 5,3 triệu người, chiếm 70% tổng số xã viên. Số hộ nông dân trong các hợp tác xã chiếm tới 44%. Lượng lao động đông đảo như vậy nhưng thành phần kinh tế tập thể đang gặp nhiều hạn chế khi đóng góp của thành phần này vào tổng thu nhập quốc dân (GDP) giảm liên tục trong 15 năm vừa qua, hiện chỉ chiếm 5,66%. Trong khi kinh tế Nhà nước chiếm 35,13%, kinh tế tư nhân chiếm 11.02% và kinh tế cá thể đóng góp 30,07%... Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể vào năm 1995 là 104,48%, năm 2000 là 105,4% nhưng đến 2009 chỉ còn 102,85%.

Những yếu kém kể trên bắt nguồn từ hạn chế của bản thân hợp tác xã và Luật Hợp tác xã. Từ đó, có quá nhiều hợp tác xã hình thức, có đến 3.040 hợp tác xã có tên nhưng thực chất là không hoạt động. Nhiều hợp tác xã lúng túng trong tổ chức hoạt động nên hiệu quả thấp, chưa mang lại nhiều lợi ích cho xã viên. Các hợp tác xã chưa hấp dẫn nhân dân và các tổ chức kinh tế tham gia.

Vậy theo ý kiến của ông thì xu hướng mới phát triển hợp tác xã hiện nay nên ra sao?

Chúng tôi nhận thấy mô hình hợp tác xã hiện chưa được làm rõ về bản chất. Số đông còn hiểu hợp tác xã như là một doanh nghiệp. Điều này tác động đến nhận thức về lợi, nghĩa vụ của xã viên, về cách tổ chức quản lý, tài chính, tài sản và phân phối trong hợp tác xã. Từ đó, xã viên chưa thật sự là chủ, chỉ là xã viên hình thức.

Các hợp tác xã nông nghiệp đa phần chỉ mới cung cấp một số dịch vụ đầu vào, rất ít dịch vụ tiêu thụ, chế biến. Việc tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã còn yếu, hầu như không tiến hành thanh tra, kiểm tra thi hành luật, chưa có chế tài nghiêm xử lý vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, sự minh bạch trong kế toán, kiểm toán hợp tác xã còn thiếu các quy định. Tổ chức Liên hiệp các hợp tác xã đã hình thành nhưng vẫn chưa phát huy được mô hình. Nếu hiểu hợp tác xã như một doanh nghiệp thì có lẽ không cần phải có Luật Hợp tác xã làm gì.

Trong mô hình kinh tế tập thể, hiện có đến 350.000 tổ hợp tác với gần 4 triệu thành viên. Tổ hợp tác rất gần với bản chất tổ chức hợp tác xã nhưng lại được điều chỉnh bởi 2 Luật khác nhau là Luật Hợp tác xã và Bộ luật Dân sự.

Bản chất tổ chức hợp tác xã phổ biến trên thế giới là nhằm phục vụ xã viên, trong đó có hợp tác xã của người lao động. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí  Minh về hợp tác xã cũng nhấn mạnh: hợp tác xã phục vụ xã viên; “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Do đó, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật hợp tác xã phải làm rõ bản chất hợp tác xã.

Hợp tác xã nhằm phục vụ xã viên trong khi doanh nghiệp phục vụ thị trường đại chúng. Xã viên đồng thời là chủ sở  hữu, đồng thời là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Hợp tác xã bảo đảm chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ. Nền tảng của hợp tác xã là hợp tác. Theo đó xã viên có nhu cầu chung sẽ được đáp ứng bởi hợp tác xã trong khi hoạt động kinh tế thành viên vẫn tự chủ và bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành viên trong sự hợp tác. Liên hiệp hợp tác xã là hợp tác xã của các hợp tác xã, liên kết xã viên theo quy mô lớn hơn.

Có ý kiến nói rằng, người nông dân có nhu cầu giải quyết lợi ích chung nhưng nhiều nơi vẫn ngán ngại vào hợp tác xã vì cấp ủy, chính quyền địa phương thích “cơ cấu” ban chủ nhiệm đa phần là những người ít năng lực, không được tín nhiệm. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp lại "năng động" bằng cách thành lập các doanh nghiệp trực thuộc. Ông đánh giá thế nào về các hiện tượng này?

Việc “cơ cấu”  ban chủ nhiệm cứng nhắc rõ ràng là đi ngược với Luật Hợp tác xã. Mục đích của hợp tác xã kiểu mới là tạo được 2 kênh tăng trưởng kinh tế cho bản thân hợp tác xã và kinh tế xã viên, qua đó nâng cao sức cạnh tranh thị trường. Hợp tác xã là tổ chức gắn kết cả hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tức kết hợp cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ nên cần người lãnh đạo có năng lực, do xã viên công khai bầu chọn. Người nông dân vẫn là hộ kinh tế tự chủ, độc lập, không bị hợp tác xã “nuốt” vì họ được chia sẻ lợi ích trong cả chế biến, tiêu thụ. Khi giá trị hợp tác xã được phát huy thì xã viên càng nâng cao tinh thần đoàn kết, tính trung thực, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau.

Nhiều hợp tác xã muốn phát huy lợi ích kinh tế bằng các thành lập từng doanh nghiệp trực thuộc theo từng ngành nghề. Doanh nghiệp của hợp tác xã chịu chi phối bởi Luật doanh nghiệp. Nhưng khi các doanh nghiệp này phục vụ cho nhu cầu xã viên thì xã viên được hưởng lợi ích theo Luật Hợp tác xã. Điều này hoàn toàn thuận lợi.