12:16 24/04/2008

Nếu xảy ra dịch tiêu chảy cấp trên tàu?

Thúy Nhung

Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp xảy ra trên các đoàn tàu là không thể xem nhẹ

"Người dân vẫn thường tự mang thức ăn hoặc mua ở các ga dọc đường. Đây là vấn đề ngành đường sắt không thể kiểm soát được."
"Người dân vẫn thường tự mang thức ăn hoặc mua ở các ga dọc đường. Đây là vấn đề ngành đường sắt không thể kiểm soát được."
Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp xảy ra trên các đoàn tàu là không thể xem nhẹ.

BS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) vừa có cuộc trao đổi với VnEconomy xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

Nếu không may có hành khách đang ở trên tàu bị tiêu chảy cấp, quy trình xử lý dịch sẽ tiến hành như thế nào, thưa ông?


Chúng tôi sẽ tiến hành theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế: sơ cứu ban đầu, tiêu độc khử trùng, cách ly bệnh nhân để khoanh vùng dịch.

Mặc dù theo dự đoán, nếu có xảy ra dịch bệnh cũng chỉ là những trường hợp đơn lẻ chứ không thể là cả một tập thể lớn. Nhưng ngành đường sắt cũng đã có sự chuẩn bị cho cả những tình huống phức tạp nhất.

Theo đó, trên mỗi chuyến tàu đều đã được cung cấp địa chỉ liên lạc của tất cả các cơ sở y tế trên toàn tuyến để liên hệ khi có sự cố. Điều này sẽ giúp bệnh nhân khi đến ga sẽ có các phương tiện sẵn sàng hỗ trợ.

Với thời gian di chuyển dài, lượng khách trong một chuyến tàu có thể lên tới 400- 500 người. Vậy y tế ngành đường sắt đã có những biện pháp gì để đối phó với dịch tiêu chảy cấp?


Với khối lượng khách đi tàu rất lớn, nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy ngành đường sắt đã đưa ra những quy chế hết sức chặt chẽ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Tất cả các thực phẩm phục vụ hành khách khi nhập kho đều phải có nguồn gốc và chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tại ga và trên mỗi đoàn tàu đều có hệ thống bảo quản thực phẩm hiện đại. Bên cạnh đó việc xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh trước khi phục vụ hành khách cũng rất được chú trọng.

Tuy nhiên, khách hàng của ngành đường sắt lại rất đa dạng, trong số này rất có thể có những người mang vi khuẩn tả những chưa biểu hiện bệnh, khi lên tàu mới phát bệnh.

Thêm vào đó, người dân vẫn thường tự mang thức ăn hoặc mua ở các ga dọc đường. Đây là vấn đề ngành đường sắt không thể kiểm soát được. Trong khi tuýp phẩy khuẩn tả lần này có thời gian ủ bệnh từ vài giờ tới 5 ngày.

Mặc dù đã cố gắng tới mức cao nhất, nhưng chúng tôi vẫn xác định nguy cơ xảy ra dịch trên tàu là khá lớn.

Thưa ông, trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 sắp tới, theo dự báo, khối lượng khách sử dụng dịch vụ của ngành đường sắt sẽ tăng lên đột biến. Ngành đã chuẩn bị những gì cho dịp này, trong bối cảnh dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ lây lan rộng?


Tất cả các nhân viên trên tàu - đặc biệt là vệ sinh viên - đều được trang bị kiến thức về sơ cấp cứu cũng như quy trình xử lý đối với bệnh tiêu chảy theo quy định của Bộ Y tế . Nhân viên phục vụ ăn uống đều được đào tạo và cấp chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, ở tất cả các nhà ga và trên mỗi toa tàu đều được trang bị đầy đủ hóa chất khử trùng và thuốc dự phòng khi xảy ra dịch bệnh.

Ngành đường sắt đã có những sáng kiến gì trong việc xử lý môi trường, thưa ông?


Có ý kiến đề xuất chúng tôi nên phun Cloramin B trên toàn bộ tuyến đường sắt. Nhưng điều đó là không hiệu quả. Theo dự toán, chỉ phun hóa chất cho 10 km đường sắt đã mất khoảng 250 triệu đồng.

Trong khi đó, Clo tuy là một chất hoạt tính cao nhưng dễ phân hủy, chỉ tồn tại trong môi trường trong thời gian ngắn. Không những thế hóa chất này còn có tính ăn mòn kim loại nên sẽ ảnh hưởng tới trang thiết bị và hạ tầng của ngành đường sắt.

Vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung vào việc khóa các nhà vệ sinh khi tới các khu vực đông dân cư hay khi tàu chuẩn bị vào các ga; cấp hóa chất vệ sinh khử trùng cho tất cả các ga để làm vệ sinh định kỳ nhất là những tháng nắng nóng. Đặc biệt khi có dịch bệnh xảy ra chúng tôi còn thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra ở các địa bàn trọng điểm.

Theo thống kê, toàn ngành đường sắt có khoảng 5.000 toa xe chở hàng và 1.000 toa xe vận chuyển khách. Nhưng hiện tại chỉ khoảng 10% trong số các toa xe khách được trang bị hệ thống nhà vệ sinh tự hoại. Điều này có nghĩa là vấn đề môi trường hiện vẫn chưa được ngành đường sắt xử lý triệt để?


Đây đúng là vấn đề chưa thể giải quyết của ngành đường sắt. Tuy nhiên không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước như Đông Âu, Trung Quốc… đều có tình trạng này. Phân và nước tiểu của hành khách vẫn phải trực tiếp thải xuống đường sắt.

Tuy nhiên từ năm 2002, với những toa tàu đóng mới của ngành đường sắt đã được lắp đặt thêm hệ thống xử lý vi sinh của Mỹ. Mỗi toa tàu có hai nhà vệ sinh, sau khi được xử lý chất rắn sẽ đọng lại trong hệ thống bể chứa còn nước trước khi thải ra môi trường cũng đã được khử trùng nên sẽ không có nguy cơ gây bệnh.

Nhưng để cải tạo toàn bộ các toa xe thì ngoài vấn đề về kinh phí còn có nhiều nguyên nhân bất khả kháng như quá trình này còn liên quan tới cấp nước, cấp hơi... thậm chí là sự cho phép của Cục Đăng kiểm.